Tình trạng học sinh cạnh tranh quyết liệt vào các trường phổ thông truyền thống và né tránh trường trung học dạy nghề như hiện nay cần được quan tâm nhìn nhận bằng góc độ giáo dục.
Người dân Việt Nam vẫn luôn chuộng bằng cấp, nhiều trường đại học chất lượng thấp mở ra, chất lượng đầu vào thấp dẫn đến một lượng lớn cử nhân đại học không tìm được việc làm, phải xếp bằng đi làm công nhân.
Cách đào tạo hiện nay của chúng ta đang tạo nên rất nhiều người '' học giỏi, làm dở". Nhưng xã hội thì cần có những người "làm giỏi" chứ không cần biết anh chị ta học thế nào.
Bộ Giáo dục thực hiện chủ trương phân luồng đào tạo là đúng đắn. Nhưng khi chưa có sự tham gia của các trường đại học thì việc này vẫn không đạt hiệu quả và dẫn đến sự cạnh tranh quyết liệt để vào được các trường phổ thông trung học công lập.
Để đạt được hiệu quả, các trường đại học cần dẫn dắt quá trình phân luồng đào tạo như sau:
1. Liên kết với các trường trung học nghề, phân chia bớt chương trình đại học về trường trung học nghề, cao đẳng, kiểm soát chất lượng đào tạo và công nhận những tín chỉ này khi học sinh đó tiếp tục học đại học.
Lấy ví dụ khoa Cơ khí của ĐH Bách Khoa sẽ ưu tiên tuyển sinh những học sinh học ngành cơ khí tại các trường nghề, công nhận một số tín chỉ mà trường nghề đã đào tạo để giảm bớt thời gian đào tạo lại ở bậc đại học.
Những học sinh không học qua trường nghề thì vẫn phải học các tín chỉ đó ở bậc đại học bình thường. Hoặc trường kinh tế sẽ lựa chọn những học sinh đã học ngành thương mại, kế toán... ở trường trung cấp nghề để tiếp tục đào tạo.
>> Giáo dục 'gà chọi' và giải thưởng học lệch
2. Sử dụng các trường nghề là bộ lọc để tuyển chọn những người phù hợp thay vì tổ chức thi như hiện nay. Việc tuyển sinh từ trường nghề được thực hiện liên tục nhiều đợt trong năm dựa trên kết quả học tập thay vì lấy kết quả thi tốt nghiệp THPT như hiện nay.
Như vậy học sinh trường nghề sẽ dễ đại học hơn so với trường THPT bình thường, nhưng tính chọn lọc cao hơn nhiều bởi vì nếu không phù hợp với nghề thì có thể lựa chọn lại sớm.
Nếu được áp dụng, tôi tin rằng con cái chúng ta sẽ không cần thiết phải lao vào những kỳ thi cấp ba hay đại học căng thẳng và quá nhiều may rủi. Thay vào đó chúng được lựa chọn trường học, ngành học mà chúng yêu thích và có thể theo đuổi cả đời để thành công.
Quang Tan
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.