Tôi thấy khi bàn về câu hỏi "Học đại học làm gì?" sẽ là một chủ đề hay, gây nhiều tranh luận trong bối cảnh giáo dục và xã hội Việt Nam hiện nay. Tôi mạn phép nêu một góc nhìn hơi khác: Góc nhìn của người đào tạo, là nhà trường, giáo viên...
Xưa nay, xã hội (nhà quản lý giáo dục, người được đào tạo, người sử dụng lao động) đòi hỏi người đào tạo phải có khả năng tạo ra sản phẩm là người lao động tốt, hiệu quả. Đòi hỏi này quá đúng. Nhưng làm thế nào để trường đại học đào tạo ra người lao động tốt, hiệu quả?
Tôi chia sẻ ba lý do khiến việc đào tạo người lao động hiện nay chưa tốt.
Người sử dụng lao động chưa định nghĩa được thế nào là người lao động tốt, hiệu quả (bằng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, qui trình làm việc của chính mình). Họ chưa chủ động đặt hàng với chúng tôi (bằng hợp đồng đào tạo với các yêu cầu cụ thể phù hợp với định nghĩa đó). Họ chưa cho chúng tôi cơ hội trau dồi, rèn luyện người được đào tạo trong môi trường họ cần (bằng hoạt động tiếp nhận, đào tạo người được đào tạo), chưa trực tiếp đóng góp cho quá trình đào tạo (về tài chính, vật lực, nhân lực...).
Như vậy, nhà trường có thể đào tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thật sự của thị trường.
Người được đào tạo, chính họ chưa thực hiện phân luồng lao động trước khi bước vào giảng đường đại học, chưa hiểu rõ mục tiêu, nguyên lý học đại học.
Họ cũng chưa trách nhiệm tài chính và tư duy cho quá trình học đại học, chưa tự chịu trách nhiệm về chính việc học của mình một cách thực chất (bằng cách hiểu biết đầy đủ về nghề nghiệp tương lai, những cá nhân kiệt xuất trong nghề, những phẩm chất nghề nghiệp cần có... bằng cách tự học, tự trang bị những kĩ năng, kiến thức nghề nghiệp cần thiết...).
>> Tôi muốn nghỉ làm thợ cắt tóc, thi lại đại học ở tuổi 27
Nhà quản lý giáo dục không triệt để thực hiện phân luồng lao động trước giai đoạn đào tạo đại học (nhất là phân luồng lao động nghề nghiệp), không tạo cơ chế "tính đúng - tính đủ" đối với chủ thể đào tạo, lao động của người đào tạo và quá trình đào tạo (trói buộc cơ chế lương, thu nhập của người đào tạo, nhất là người đào tạo có trình độ, năng lực cao).
Khi tất cả các bên không có sự hợp tác, kết nối với nhau thì việc đào tạo đại học trở nên phân mảnh, hiệu quả chắc chắn sẽ thấp.
Trinh Giang Toan
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.