Tại hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn trong trường phổ thông, được ban hành ngày 21/7, Bộ đưa ra ba nội dung chính.
Thứ nhất, về cách dạy và học, ngành giáo dục yêu cầu các trường và giáo viên chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; dành nhiều thời gian cho các hoạt động thực hành. Trong quá trình dạy, thầy cô cần giao nhiệm vụ rõ ràng, phù hợp với khả năng của từng học sinh, nêu tiêu chí cụ thể của sản phẩm mà các em phải hoàn thành.
Ngoài ra, Bộ hướng dẫn các trường xây dựng kế hoạch dạy môn Văn theo hướng tăng cường rèn luyện cho học sinh phương pháp đọc, viết, nói và nghe; tạo điều kiện cho các em trải nghiệm tiếp nhận và vận dụng tiếng Việt thông qua các hoạt động trong và ngoài lớp.
Với dạy đọc, giáo viên chỉ coi ngữ liệu là phương tiện và tìm hiểu ngữ liệu là cách để học sinh hình thành, phát triển năng lực đọc hiểu văn bản. Thầy cô có thể gợi ý, chỉ dẫn nhưng không lấy nội dung phân tích, bình giảng của mình để áp đặt hay thay thế cho suy nghĩ của học sinh; đồng thời tránh việc đọc chép, yêu cầu học sinh nhớ kiến thức một cách máy móc.
Tương tự với dạy viết, nhiệm vụ của giáo viên là giúp học sinh hình thành và trình bày ý tưởng mạch lạc, sáng tạo và thuyết phục, từ đó rèn tư duy và cách viết các kiểu văn bản. Thầy cô cũng nên tăng cường sử dụng các bài tập dạy viết gắn với tình huống, giúp học sinh hiểu mối quan hệ giữa yêu cầu học viết trong trường với nhu cầu tạo ra một sản phẩm viết trong đời sống.
Sự thay đổi trong cách dạy và học sẽ dẫn tới yêu cầu đổi mới cách kiểm tra, đánh giá học sinh. Đây là nội dung thứ hai trong hướng dẫn của Bộ.
Theo đó, các trường và giáo viên cần đảm bảo nguyên tắc phát huy những mặt tích cực trong cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, văn học và tư duy logic của học sinh.
Để làm được điều này, Bộ nhấn mạnh tới vai trò của việc sử dụng ngữ liệu. Cả khi luyện tập và kiểm tra, Bộ khuyến cáo giáo viên dùng ngữ liệu mới, tránh sử dụng các văn bản trong sách giáo khoa. Việc này nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc chép văn mẫu - vốn là vấn đề nan giải của ngành giáo dục nhiều năm nay; đồng thời giúp giáo viên đánh giá chính xác năng lực của các em.
Đi cùng với yêu cầu về tìm tòi và sử dụng ngữ liệu mới, Bộ cũng khuyến khích các trường dùng đề mở trong hoạt động kiểm tra; xây dựng công cụ hạn chế tính chủ quan, cảm tính của người chấm. "Khi nhận xét, đánh giá học sinh, giáo viên cần tôn trọng cách nghĩ, cảm nhận riêng của học sinh trên nguyên tắc không vi phạm những chuẩn mực đạo đức, văn hoá và pháp luật", hướng dẫn nêu.
Ở góc độ quản lý, lãnh đạo trường, Phòng và Sở Giáo dục cần tạo điều kiện và khuyến khích giáo viên đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy và đánh giá trong môn Ngữ văn; đồng thời tăng cường hoạt động trao đổi, chia sẻ chuyên môn.
Trước đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong hai ngày 7-8/7. Ba sinh viên tại TP HCM - quản trị một Fanpage trên Facebook - đã đoán đúng tên tác phẩm xuất hiện trong đề thi môn Ngữ văn, kết quả tương tự những dự đoán của hai năm trước.
Trước việc một vài cá nhân có thể ba lần liên tiếp đoán đúng tác phẩm được hỏi trong đề thi Văn, dù không phải lộ đề, các lãnh đạo Bộ Giáo dục được đặt câu hỏi về việc liệu công tác ra đề có đang đi theo lối mòn, dễ đoán. Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học, giải thích số lượng cá nhân quá lớn, trong khi số lượng tác phẩm nằm trong chương trình lại rất ít.
Ông Thành cho biết đề Văn tốt nghiệp THPT năm nay có cấu trúc tương tự các năm trước. Ngữ liệu bài đọc hiểu mới hoàn toàn, nhưng các tác phẩm văn học vẫn được lấy từ sách giáo khoa. "Đoán tác phẩm thì dễ, nhưng chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng phải đoán đúng câu hỏi, đoạn trích của tác phẩm đó mới quan trọng", ông Thành nói.
Năm học 2024-2025, chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng với toàn bộ 12 khối. Khi đó, theo ông Thành, việc sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa với hàng loạt tác phẩm khác nhau sẽ giúp Bộ có nhiều lựa chọn trong việc sử dụng ngữ liệu cho đề thi.
Hướng dẫn đổi mới dạy và kiểm tra môn Văn tại bậc phổ thông được đánh giá sẽ có tác động đáng kể đến motif, ngữ liệu được sử dụng trong các đề thi Văn.
Thanh Hằng