Mấy hôm nay dư luận "nóng" lên vì câu chuyện một số trường THCS tư vấn cho phụ huynh theo hướng cho học sinh học các trường nghề thay vì tiếp tục thi vượt cấp. Gạt đi mục đích "bệnh thành tích", vì "lợi ích nhóm", ở bài viết này, tôi lại muốn tiếp cận từ một khía cạnh khác, ấy là việc hướng nghiệp cho học sinh.
Trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam (Luật Giáo dục sửa đổi 2019), tại khoản a, Điều 3 quy định:
3. Giáo dục nghề nghiệp:
a) Các chương trình đào tạo trình độ trung cấp tiếp nhận người tốt nghiệp tối thiểu trung học cơ sở.
Các chương trình đào tạo trình độ trung cấp có thời gian đào tạo tối thiểu tương đương một năm học tập trung đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông; từ hai đến ba năm học tập trung (tùy từng ngành, nghề) đối với người đã tốt nghiệp trung học cơ sở.
>> 'Giáo viên ra sức ngăn con tôi thi vào lớp 10 trường top'
Người học sau khi tốt nghiệp trình độ trung cấp có thể được học tiếp lên trình độ cao đẳng, đại học nếu đáp ứng được quy định của chương trình đào tạo, đồng thời đã học và thi đạt yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Như vậy, chương trình giáo dục nghề nghiệp trình độ trung cấp là nơi sẽ tiếp nhận học sinh tốt nghiệp THCS. Hệ trung cấp thực tế được các trường cao đẳng nghề tuyển sinh đào tạo theo hình thức liên thông. Đây là cơ hội lớn cho học sinh có năng lực học tập yếu về lý thuyết, nhưng lại có khuynh hướng thực hành được học tập, rèn luyện và tinh thông nghề nghiệp từ sớm.
Tiếc là ở Việt Nam, việc phân luồng thường diễn ra chậm vì gắn với hướng nghiệp, chủ yếu thực hiện ở các lớp cuối bậc THPT.
Điều này rất khác với một số quốc gia có nền giáo dục tiên tiến thuộc châu Á như Nhật Bản, Singapore. Ví như tại Nhật Bản, chương trình tiểu học kéo dài tới 6 năm, và ngay sau khi tốt nghiệp tiểu học, học sinh đã được phân luồng theo hướng, những học sinh có đủ khả năng học lên cao về văn hoá sẽ tiếp tục theo học các trường THCS, những học sinh có khuynh hướng thực hành và có nhu cầu, nguyện vọng sẽ theo học các trường nghề có dạy văn hoá.
Nhưng điều quan trọng là, ở quốc gia này, việc "ai là ai" không quan trọng bằng việc "ai làm được gì". Chính vì thế, chuyện một học sinh được học lên đến đại học hay một học sinh rẽ ngang sang học nghề không quyết định giá trị cá nhân của họ.
Chưa kể, việc phân luồng sớm dựa trên sự phân loại học sinh đã giúp tiết kiệm rất nhiều cho cộng đồng, cho gia đình. Tạo nên nguồn lực lao động trẻ nhưng đã có nhiều kinh nghiệm do được tích luỹ từ sớm.
Trở lại câu chuyện đang gây xôn xao dư luận hiện nay, chính từ sự thiếu vào cuộc một cách chuyên nghiệp của việc hướng nghiệp sớm, khiến các thầy cô giáo bậc THCS đã "bất đắc dĩ" trở thành những người hướng nghiệp khiên cưỡng.
Không có kinh nghiệm, lại nôn nóng muốn có kết quả sớm, các thầy cô vô tình đã trở thành "thủ phạm", là nguyên nhân tước đoạt cơ hội và ảnh hưởng đến quyền của những học sinh học lực đuối so với mặt bằng chung.
Đã có tâm sự của một bà mẹ đã trải qua giai đoạn đó, nghe lời cô, cho con rẽ sang học nghề, "giờ cháu đã có công ăn việc làm, kiếm được tiền, nhưng vẫn mặc cảm với bạn bè"... Thực chất mặc cảm đó xuất phát từ định kiến xã hội, từ việc chuộng bằng cấp.
>> Hối hận khi nghe lời giáo viên thi trường top dưới
"Bệnh thành tích" không phải là căn bệnh của riêng ngành giáo dục, nó là căn bệnh xã hội, là hệ luỵ của chữ "danh" đã ám ảnh bao thế hệ. Nhưng nhìn một cách bản chất, chúng ta không thể phủ nhận thực trạng, có không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học đã phải quay lại học các trường nghề để tìm kiếm cơ hội việc làm, thậm chí có người còn bỏ tấm bằng của mình đi để có thể xin vào làm một công việc đơn giản, miễn là có việc và kiếm được tiền.
Cơ cấu |
Đại học |
Trung cấp, cao đẳng nghề |
Công nhân kỹ thuật |
Tại các nước phát triển |
1 |
5 |
10 |
Tại Việt Nam |
1 |
1,75 |
5 |
(Dựa trên số liệu thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp )
Theo số liệu thống kê trên, trên thế giới, cơ cấu nhân lực hợp lý là cứ 1 người học đại học thì cần có 5 người có tay nghề trình độ trung cấp trở lên và 10 người là công nhân được đào tạo nghề.
Trong khi đó, tỉ lệ ở Việt Nam là 1 người học đại học chỉ có 1,75 người có tay nghề trình độ trung cấp trở lên và 5 người là công nhân được đào tạo nghề.
Đây là hiện tượng "Thừa thầy, thiếu thợ" mà các nhà chức trách thực sự lo ngại khi nói đến việc thực hiện chiến lược phát triển nguồn nhân lực xã hội.
Và vì vậy, thay vì chỉ trích ngành giáo dục, cộng đồng hãy thay đổi tư duy, thay đổi những định kiến về bằng cấp để học sinh có thể vui vẻ, thoải mái theo học các chương trình phù hợp nhất với mình, và phục vụ tốt nhất cho lợi ích cộng đồng, lợi ích cá nhân.
TS Nguyễn Thị Hường
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.