(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net)
Những học sinh đi thi "Đường lên đỉnh Olympia" là những học sinh giỏi? Tôi đã xem rất nhiều chương trình này. Những câu hỏi của chương trình này, trừ môn Toán, Lý, Hóa, Sinh có suy luận logic ra, các môn Văn, Sử, Địa hầu hết là câu hỏi đánh đố - tức là không có "dễ" hay "khó" mà chỉ có "biết" hay "không biết".
Ví dụ, câu hỏi có nội dung một bài thơ gì đó do ai sáng tác, sáng tác vào năm nào. Câu hỏi như vậy thì dù bạn có thông minh bằng trời cũng tịt trừ phi bạn có hiểu biết về tác giả đó. Đặc biệt, ở phần câu hỏi tiếng Anh, nhiều học sinh không trả lời được dù câu hỏi không khó.
Nhiều người Việt hay nhầm lẫn giữa kiến thức và tri thức. Kiến thức là cái ta được học để biết và chỉ dừng lại ở đó mà thôi. Trong chữ Nho, "kiến" có nghĩa là "thấy" và "tri" có nghĩa là "hiểu". Khi nào ta vận dụng được kiến thức ấy vào cuộc sống, trở thành kỹ năng của ta thì những kiến thức ấy mới được gọi là tri thức.
Từ đây xảy ra hai trường hợp, học rất nhiều nhưng chẳng vận dụng được bao nhiêu và học vừa đủ để xài cả đời. Một số người có vẻ ganh tị với những người có con cái học trường quốc tế. Anh ganh tị kệ anh, chả ảnh hưởng gì đến cuộc sống của họ. Trường quốc tế dạy học sinh những gì? Dạy những cái cần thiết cho việc đi du học. Tiêu chí số một là tiếng Anh. Không biết tiếng Anh ra nước ngoài có khác gì câm điếc?
Tiêu chí số hai là tính tự lập trong sinh hoạt cá nhân. Học sinh trường này đều là con nhà khá giả, ở nhà có người cơm bưng nước rót, dọn dẹp phòng riêng, giặt ủi đồ đạc có người giúp việc làm hết. Đi du học làm gì có những tiện nghi ấy. Không tự lập được thì sẽ rất khó thích nghi với môi trường mới.
Tiêu chí cuối cùng mới là văn hóa, kiến thức phổ thông. Kiến thức này là những cái sẽ được vận dụng ngay khi vào đại học, không thừa một miếng nào chứ không phải như trường phổ thông ở ta, học để đi thi, thi xong vứt luôn (nếu đậu đại học).
Tức là, người ta dạy kiến thức và kiến thức ấy chuyển hóa luôn thành tri thức còn ta chỉ thuần túy dạy kiến thức thôi. Học sinh trường quốc tế mà thi đại học trong nước, tôi dám cá, ít nhất 50% thi không đậu. Ngược lại, học sinh đậu điểm cao trường trong nước nhưng không học trường quốc tế, cha mẹ phải tốn tiền gấp đôi khi chúng đi du học vì chúng không được trang bị đầy đủ kiến thức như học sinh trường quốc tế.
Trong khi các học sinh "Olympic" phải chật vật thích ứng với môi trường mới ở nước ngoài thì các học sinh trường quốc tế chỉ cần cha mẹ làm đủ các thủ tục du học xong, tự chúng sẽ vác ba lô khởi hành tại Việt Nam đến thẳng cái trường đại học ở nước ngoài mà không cần ai đưa đón.
Số ngành học ở Việt Nam không nhiều bằng các nước phát triển, nhiều ngành nghề Việt Nam không có. Bạn lấy lý do gì bảo học sinh du học là do cha mẹ xếp đặt? Chính ra học đại học trong nước mới là do cha mẹ xếp đặt. Cha mẹ làm bác sỹ sẽ muốn con cái cũng học nghề Y để ra trường được cha mẹ "xếp đặt" vào đúng cái bệnh viện họ đang làm việc. Du học lấy bằng quốc tế, chúng có thể xin việc ở mọi bệnh viện trên thế giới (nếu chúng cũng học ngành Y). Đó là chưa nói, hiện nay ta chưa đáp ứng được nhu cầu "học cái mình muốn, làm cái mình thích".
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Lâm