Xung quanh thông tin "Phụ nữ TP HCM sinh ít", trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh 1,39 con, thấp nhất cả nước và còn có thể thấp hơn nữa trong thời gian tới, nhiều độc giả VnExpress chỉ ra những áp lực khiến người trẻ ngại sinh con:
Sống ở TP HCM, để sinh một đứa con và nuôi dưỡng chúng, áp lực rất lớn đối với người làm công ăn lương:
- Bầu bí, thai sản mất thu nhập, hoặc chí ít cũng giảm thu nhập và đôi khi phải cạnh tranh lao động giai đoạn này.
- Để nuôi một đứa trẻ mạnh khỏe phải mất nhiều công sức, như chích ngừa các loại bệnh, định kỳ, nhắc lại... tốn rất nhiều tiền. Khi chúng bệnh vào bệnh viện, chi phí còn lớn hơn nữa, chưa nói đến ảnh hưởng thời gian xin nghĩ phép mất thu nhập.
- Đến tuổi đi học phải tìm chỗ gửi trẻ, tranh thủ giờ giấc đi làm, lớn hơn phải có người đưa đón... và biết bao việc phát sinh tiền bạc trong chuyện học hành và còn rất nhiều chi phí vô hình cho một đứa con.
Tôi sống ở Sài Gòn, có hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Dù đang có công việc làm ổn định, nhưng tôi cũng phải bỏ, nghỉ ở nhà để đưa đón chúng đi học. Hai đứa học học nơi, sáng - chiều khác tuyến đường. Vợ đi làm, tôi thu nhập lúc rảnh chẳng được bao nhiêu. Đấy mới chỉ là kể sơ qua cũng đủ thấy nỗi vất vả và áp lực kinh tế như thế nào để nuôi một đứa con. Trước đây, tôi cũng xác định chỉ sinh một đứa, nhưng gần 10 năm sau bị vỡ kế hoạch nên rất áp lực.
Sinh con giờ phải xem xét, suy nghĩ rất kỹ trước khi sinh. Môi trường giáo dục kém, chế độ bán trú, các suất ăn trong trường kém về chất lượng, số lượng.
Khi hai vợ chồng đi làm thì không có người đưa đón con đi học, ít trường có bán trú, học một buổi, nghỉ một buổi... Chi phí y tế quá cao cho trẻ em, tuy có thẻ bảo hiểm nhưng không tốt lắm. Môi trường sống không tốt, phức tạp. Đồ ăn, không khí, giao thông... khá kém. Chi phí giáo dục quá cao, phải nói là rất cao. Ngoài học ở trường, học sinh phải đi học thêm nếu không muốn bị trù dập... Quá nhiều yếu tố tác động nên tôi nghĩ các cặp vợ chồng trẻ phải suy nghĩ kỹ trước khi sinh thêm con. Nếu thích có con vui cửa nhà, nhiều người chọn sinh một là đủ để phù hợp với môi trường sống ở Sài Gòn, một thành phố năng động nhất cả nước.
Nói về những gánh nặng kinh tế khi sinh con ở thành phố, nhiều ý kiến chia sẻ:
Con tôi học mầm non trường công ở TP HCM cách đây hai năm là gần hai triệu đồng/ tháng, giờ học tiểu học trường công hơn 2,2 triệu/ tháng. Ngoài ra, còn tiền học thêm tiếng Anh, học vẽ... khoảng năm triệu/ tháng, chưa kể các loại tiền khác. Đó là chi phí, còn thời gian nữa. Hàng ngày, tôi phải sắp xếp thời gian đưa đón con vì không thể thuê người. Cũng may là tôi có thể sắp xếp được. Những người quá bận rộn thì không biết làm sao? Nếu thêm một đứa nữa, chắc chắn tôi không kham nổi.
Chi phí sinh một đứa con từ lúc có bầu tới lúc đẻ của tôi là khoảng hơn 30 triệu (khám thai, thuốc bổ khoảng 15 triệu đồng, đẻ mổ dịch vụ gói 18 triệu). Chị gái tôi nói nhìn phí sinh con mà không dám đẻ vì nhiều tiền quá. Đấy mới chỉ tiền đẻ, còn quá trình nuôi con hàng tháng cho tới lúc hai tuổi đi học trường còn nhiều nữa. Ở Sài Gòn, trường công rẻ nhất cũng 1,6-1,9 triệu/ tháng, trường tư 2-3 triệu/ tháng, muốn có chương trình nước ngoài thì rẻ nhất cũng 4,5 triệu/ tháng. Phải nói lầ nuôi con rất đuối. Nhà tôi hai đứa, riêng tiền học đã mất 10 triệu mỗi tháng, thêm tiền ăn, sinh hoạt, điện nước... nói chung giờ không thể nghĩ "trời sinh voi, trời sinh cỏ" được. Đó là lý do bây giờ nhiều người đẻ ít và lười đẻ.
>> Mang tiếng ích kỷ vì sinh một con
Đồng cảm với những áp lực khi sinh con thời nay, không ít độc giả chia sẻ thực trạng khiến nhiều người chỉ muốn sinh một con:
Nói là cuộc sống ngày nâng cao khi đất nước ngày một phát triển sẽ làm giảm áp lực lên các cặp vợ chồng, nhưng thực tế thì ngược lại. Ngày xưa, một gia đình có thể nuôi ba, bốn, thậm chí 10 đứa con một lúc, nhưng hiện tại, chỉ một đứa thôi cũng rất vất vả nhất là những gia đình thu nhập thấp. Chi phí cho một đứa trẻ bây giờ quá cao, nếu ở nhà thuê thì những phát sinh rất lớn khiến các cặp vợ chồng ít dám sinh đứa thứ hai.
Tôi quen rất nhiều người bạn ở TP HCM, thuộc các tầng lớp khác nhau. Có người thu nhập dư, có người lần ăn từng bữa, có người đã sinh con, có người chưa, nhưng chung quy lại họ chỉ mong muốn có tối đa một con; không kể nam hay nữ. Lý do chung là họ có những nỗi lo cho cuộc sống của đứa trẻ đó từ các yếu tố như môi trường, chăm sóc sức khoẻ, môi trường sống, môi trường phát triển... Điểm tốt cũng có, nhưng điểm xấu quá nhiều, và cái xấu này rủi ro cao tới sự phát triển của đứa nhỏ.
Chia sẻ về vấn đề này, độc giả Lê Minh Châu lại nhận định về tư tưởng ngại sinh con vì sợ áp lực: "Thế mới nói thế hệ chúng ta không giỏi bằng thế hệ các cụ ngày xưa. Thời nào nuôi con cũng khó, ngày xưa chỉ cần ăn no, mặc ấm, nhưng bây giờ nuôi con phải ăn ngon, mặc đẹp. Vì ai cũng muốn cái tốt nhất cho con và sợ không cung cấp nổi mấy thứ đó nên mới không dám sinh. Nếu mọi người dẹp bỏ suy nghĩ đó thì mới dám sinh con. Bạn tôi ngày xưa cũng vậy, ra trường kết hôn, tính toán đủ thứ rồi bảo phải để dành đủ tiền mới sinh con (biết bao nhiêu là đủ khi bản chất con người có được A thì nhu cầu cũng tăng thêm muốn được B...). Do chưa muốn có con nên người bạn đó cũng không để ý việc mình có thai và bị sảy thai ngoài ý muốn.
Sau sự việc đó, bạn tôi thay đổi suy nghĩ, đẻ luôn hai đứa, lương vẫn không tăng, tiền vẫn chưa tích lũy đủ, nhưng cuối cùng vẫn nuôi được con. 'Hồi đó mà đợi để dành đủ tiền, chắc bạc đầu cũng chưa đẻ, giờ đẻ xong cũng không hiểu sao vẫn đủ tiền nuôi con', bạn tôi kết luận. 'Thuyền tới đầu cầu tự nhiên thẳng', quan điểm của tôi là những người sợ sinh con chẳng qua vì họ sợ trách nhiệm, những người dám sinh con mới thật sự là có bản lĩnh".
>> Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.