Trả lời:
12 tuổi là lứa tuổi tiền dậy thì. Cha mẹ nên dạy con cách chăm sóc và vệ sinh bộ phận sinh dục. Bao quy đầu dài là tình trạng phần da bọc ngoài đầu dương vật quá dài, vượt qua lỗ tiểu, trùm kín chỏm quy đầu. Trẻ sinh ra với tình trạng này thường kèm theo hẹp bao quy đầu. Ngoài nguyên nhân sinh lý bẩm sinh thì thói quen nghịch, co kéo, kéo mạnh bộ phận này cũng có thể là nguyên nhân.
Tình trạng này có thể dẫn đến một số biến chứng. Nếu không can thiệp sớm, trẻ nhỏ dễ bị viêm, nhiễm khuẩn nhiều lần do nước tiểu, chất bài tiết lưu lại. Qua thời gian dài, phần bao xơ dính, co kéo làm cong vẹo, ngắn hãm dương vật. Đến tuổi trưởng thành, trẻ dễ tự ti.
Vệ sinh không tốt tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển, có thể tấn công ngược lên theo niệu đạo tới bể thận, bàng quang, tuyến tiền liệt. Trường hợp nhẹ gây viêm những bộ phận này, nếu viêm lâu ngày không điều trị khỏi, nghiêm trọng có thể dẫn tới ung thư.
Chức năng sinh lý cũng bị ảnh hưởng. Người bệnh đau hay giảm khoái cảm, căng tức dương vật khi cương cứng, khiến giao hợp khó khăn, tỷ lệ nhỏ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Bao quy đầu dài còn làm tăng nguy cơ nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục. Vi khuẩn có thể xâm nhập sang cơ thể bạn tình, tấn công ngược lên buồng trứng và tử cung, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh sản của nữ giới.
Nếu vùng da đầu dương vật của trẻ sưng đỏ, kèm tiểu khó, tiểu đau, tiểu rát hoặc phồng bao quy đầu khi đi tiểu, ba mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín để khám. Bác sĩ kiểm tra xem trẻ có bị viêm, dài hoặc hẹp hay không, từ đó điều trị phù hợp.
Bác sĩ Phạm Xuân Long
Trung tâm Tiết niệu - Thận học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM