Barbara Brigham đã trải qua năm 2020 tồi tệ. Mẹ của bà qua đời vào tháng 1 vì tuổi già, chồng bà cũng ra đi vào tháng 6 do bệnh ung thư. Đến tháng 9, bà được chẩn đoán mắc ung thư tuyến tụy, tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ là 10%.
Ban đầu, bà Brigham chấp nhận sự thật rằng mình sẽ sớm rời bỏ thế giới, cho rằng bản thân đã có một cuộc sống "hoàn toàn tuyệt vời" với gia đình hạnh phúc.
Vài tháng sau đó, tiến sĩ Vinod Balachandran, người điều trị chính của Brigham, đề nghị bà trở thành tình nguyện viên trong một thử nghiệm lâm sàng điều trị ung thư bằng phương pháp miễn dịch mới. Bà lập tức chấp thuận mà không nghĩ rằng sau hai năm, cơ thể hồi phục mạnh mẽ. Ở tuổi 76, bà được chứng kiến người cháu đầu tiên tốt nghiệp đại học. Bác sĩ cũng xác nhận bà Brigham đã khỏi ung thư tuyến tụy.
Phép màu đó đến từ loại vaccine điều trị ung thư do tiến sĩ Balachandran và các đồng nghiệp phát triển dựa trên công nghệ RNA thông tin (mRNA), tương tự vaccine Covid-19.
Về cơ bản, có hai loại vaccine dành cho bệnh nhân ung thư. Loại đầu tiên để phòng ngừa nhiễm bệnh, chẳng hạn vaccine ngừa ung thư cổ tử cung HPV. Loại thứ hai tiêm sau khi đã mắc bệnh, để huấn luyện hệ miễn dịch phản ứng với các tế bào ung thư, làm giảm nguy cơ khối u tái phát. Bà Brigham được tiêm loại vaccine thứ hai.
Tiền đề cho loại vaccine tiềm năng này đến từ nghiên cứu của tiến sĩ Balachandran vào năm 2017. Khi ấy, ông cùng các đồng nghiệp đã tìm hiểu lý do vì sao một số người có thể sống sót sau khi mắc ung thư tuyến tụy, số khác thì không.
Sau khi phân tích kết quả sinh thiết, họ phát hiện trong khối u của nhiều bệnh nhân chứa một loại protein gọi là neoantigens. Các tế bào miễn dịch có thể nhận diện và biến chúng thành mục tiêu tấn công, ngăn chặn ung thư. Cơ chế này tương đương với loại vaccine điều trị khối u.
Khi công bố kết quả trên tạp chí Nature, tiến sĩ Balachandran đã nhận được cuộc gọi của Uğur Şahin, Giám đốc điều hành công ty công nghệ sinh học BioNTech, cha đẻ của vaccine Pfizer ngừa Covid-19.
Cả hai quyết định hợp tác, hiện thực hóa ý tưởng về điều trị ung thư tuyến tụy bằng công nghệ mRNA. Đến năm 2019, BioNTech cùng tiến sĩ Balachandran tạo ra loại vaccine tiềm năng để thử nghiệm lâm sàng trên 20 người, trong đó có Barbara.
Bà và các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đã được cắt bỏ khối u, giải trình tự gene để tìm kiếm các đột biến tạo ra protein neoantigen mà hệ miễn dịch dễ dàng nhắm mục tiêu nhất. Mỗi bệnh nhân được tiêm một loại vaccine riêng, dựa trên đặc điểm phân tử khối u của họ.
"Vaccine được thiết kế để bắt chước quá trình ngăn chặn khối u thành công trong cơ thể của những người đã sống sót sau mắc ung thư tuyến tụy", tiến sĩ Balachandran giải thích.
Ban đầu, tiến sĩ Balachandran lo lắng không thể điều chế vaccine đủ nhanh để chống lại một loại ung thư di căn sớm như ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy thời gian quay vòng vaccine kéo dài từ 9 đến 10 tuần thử nghiệm là hợp lý, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân.
Theo tiến sĩ Balachandran, hầu hết các tình nguyện viên tham gia thử nghiệm đều không gặp tác dụng phụ nghiêm trọng. Brigham có các triệu chứng giống cúm trong một hoặc hai ngày sau mỗi lần điều trị. Nhưng biểu hiện không tồi tệ như khi hóa trị.
Dù còn ở giai đoạn đầu, vaccine là một trong số ít những tiến bộ y khoa mang lại hy vọng cho dạng bệnh ung thư khó chữa nhất. Ung thư tuyến tụy được dự đoán sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai của các quốc gia trong vòng 10 năm tới.
Tỷ lệ tử vong của nó hiện được xếp trên ung thư ruột kết, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Trong khi lĩnh vực điều trị các khối u khác đã cải thiện đáng kể những năm gần đây, tỷ lệ tử vong do ung thư tuyến tụy vẫn không thay đổi.
Tiến sĩ Robert Vonderheide, Giám đốc Trung tâm Ung thư Abramson tại Đại học Pennsylvania ở Philadelphia, cho rằng thế giới cần bước đột phá lớn trong việc nghiên cứu và điều trị ung thư tuyến tụy.
Vaccine mRNA chỉ là một trong nhiều ví dụ về sự tiến bộ của y khoa trong lĩnh vực ngăn ngừa và điều trị ung thư. Đây cũng là minh chứng rõ ràng cho thấy các nghiên cứu cơ bản về hành vi của tế bào có thể được chuyển đổi và ứng dụng cho bệnh nhân một cách linh hoạt.
Về phần mình, Brigham rất vui mừng với kết quả điều trị, hy vọng các bệnh nhân ung thư tuyến tụy có thể được hưởng lợi từ liệu pháp tiềm năng.
Thục Linh (Theo USA Today, Memorial Sloan Kettering Cancer Center)