Theo tôi, "không biết áp dụng kiến thức vào thực tế" là lỗi của người học 4 phần, còn lỗi của chương trình giáo dục 6 phần. Không chỉ môn toán mà các môn khác cũng vậy. Ngoài việc học sinh không biết sáng tạo, vận dụng kiến thức được học vào thực tế cuộc sống thì còn do chương trình giáo dục đã có quá ít thời gian cho các bài thực hành, hướng dẫn các em áp dụng kiến thức vào đời sống.
Ngày trước, hồi sinh viên, xóm tôi có một cô bé học nhất nhì lớp Vật lý. Vậy nhưng có lần tôi cho bộ đèn về lắp, cô bé đó đã chập cả hai dây làm một rồi quấn băng dính. Kết quả, sau khi cắm điện, đền cháy khét lẹt. Cái này là do lỗi của người học đã không biết vận dụng kiến thức dù trình độ đại học hẳn hoi. Mỗi khi đi làm thí nghiệm thực tế, tôi luôn là người làm hộ các bạn nữ, dù họ thuộc lòng lý thuyết nhưng chẳng biết làm gì cả.
>> Tôi không dùng toán học phổ thông dù là thạc sĩ cơ khí
Nhưng tại sao lại 6 phần lỗi lại do chương trình giáo duc. Các bạn thấy trong chương trình phổ thông, các môn cần đi kèm thực tiễn như Vật lý, Hóa học, Sinh học... cả năm giỏi lắm có vài tiết thực hành. Ấy vậy nhưng như môn Vật lý, thực hành toàn thứ không ứng dụng được trong thực tiễn đời sống hàng ngày như: đo chu kỳ dao động điều hòa, khảo sát đặc tính chỉnh lưu của điot, tranzito...
Tất nhiên các bài dạy đều có dụng cụ thực hành hỗ trợ, nhưng nếu giáo viên tiết nào cũng sử dụng hết thì không thể kịp với 45 phút cho bài học đó được. Thậm chí, nếu giáo viên có thực hiện mẫu thì học sinh cũng chỉ biết quan sát rồi đưa ra nhận xét chứ không đủ thời gian để tất cả các em đều được tận tay làm. Do đó, lý thuyết có thể nắm vững nhưng về nhà lại chẳng ứng dụng được vào đâu. Đó chính là do chương trình học không hợp lý, quá ít tiết thực hành, chỉ thiên về dạy lý thuyết.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.