Đừng đổ tất cả lỗi cho các bạn sinh viên chạy xe ôm công nghệ. Để tôi nói cho các bạn vì sao nhé:
Thứ nhất, từ khi học phổ thông, học sinh đã bị giáo dục theo lối thụ động, làm bài đúng ý, đúng đáp án của thầy cô mới được điểm cao. Thiếu tranh luận, phản biện thì không thể kích thích tư duy sáng tạo. Lối suy nghĩ "an phận thủ thường" bắt đầu từ đây.
Thứ hai, hầu hết học sinh đăng ký thi đại học, cao đẳng chỉ để khoác lên mình chữ "được đào tạo" nhằm thỏa mãn sĩ diện của gia đình là chính chứ ít chú ý đến sở trường hay sở thích ngành nghề (rất nhiều em mơ hồ về ngành nghề) dẫn đến chán nản khi vào học.
Thứ ba, khi vào học đại học cũng lại tiếp tục lối mòn giáo dục thụ động ở phổ thông, rất ít tranh luận, phản biện và thực hành thì làm sao tạo hứng thú và sức lôi cuốn các em được, dẫn đến coi việc học là một gánh nặng thì rõ ràng chỉ nghĩ điểm 5 để qua.
>> 'Nói chạy xe ôm công nghệ lương cao hơn nhân viên văn phòng là thiển cận'
Thứ tư, cái suy nghĩ của không ít phụ huynh: "Cứ học xong đại học ra sau này làm cái gì cũng được" khiến các em coi đây là nhiệm vụ cha mẹ đặt ra cho mình và mình ra trường được là hoàn thành nghĩa vụ, còn làm cái gì thì đã có cha mẹ lo, mất hoàn toàn tính chủ động về nghề nghiệp.
Thứ năm, bốn lý do trên tao ra sản phẩm lỗi khi ra trường, rất khó đáp ứng yêu cầu công việc.
Cuối cùng, khi ra trường, bố mẹ tạo áp lực theo kiểu "đã nuôi xong ăn học và tự phải lo bản thân". Vậy thì, còn việc gì thích hợp hơn xe ôm công nghệ, đi giao hàng như bây giờ nữa? Vừa đủ tiền tự trang trải bản thân, lại an phận thủ thường, thế là được.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.