TS.BS Nguyễn Hoàng Đức - Trưởng khoa Tiết Niệu - Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, chia sẻ nhiều người bệnh đến khám khoa Tiết niệu với biểu hiện đau lưng và nghĩ mình mắc phải bệnh thận. Tuy nhiên, đau lưng đến từ nhiều nguyên nhân chứ không riêng gì bệnh về thận.
Cấu tạo cơ thể con người có 2 quả thận, nằm ở vùng sau của ổ bụng, tựa lên thành lưng. Do nằm ở vị trí "giao thoa" đặc thù này nên đau vùng lưng và thắt lưng có thể do bệnh của thận nhưng cũng có thể do các bệnh lý khác của hệ thống cơ xương khớp.
Đau lưng do bệnh thận thường xảy ra ở một bên hoặc 2 bên vùng hông lưng, dưới xương sườn, ít xảy ra ở ngay giữa lưng vùng cột sống. Cảm giác đau xuất phát sâu từ bên trong cơ thể, và đôi khi lan ra đến mặt trước bụng, đến bẹn hoặc mặt trong đùi.
Các bệnh gây đau cấp tính ở thận thường do sỏi tiết niệu (đau chói đột ngột như bị vật sắc nhọn, mức độ tăng nặng gọi là bão thận), nhiễm khuẩn tiết niệu (đau lưng kèm theo tình trạng đau tức bụng dưới và mắc tiểu nhiều lần), xuất huyết bên trong thận hoặc chấn thương thận (đau ở vùng thắt lưng nhưng không đặc hiệu, có thể xuất hiện sau cơn đau quặn thận). Còn đau do sỏi di chuyển kẹt trong niệu quản thì người bệnh sẽ cảm thấy đau dữ dội, quặn từng cơn, có thể kèm theo tiểu máu, tiểu đau buốt, tiểu nhiều lần, cảm giác mót rặn ở hậu môn, sốt.
Khác với đau do bệnh thận, đau lưng do bệnh cơ xương khớp thường xảy ra 2 bên lưng và phần thấp của lưng, đôi khi đau luôn ở vị trí giữa lưng vùng cột sống. Đau có tính chất trì nặng, tức, kéo dài âm ỉ, hiếm khi đau nhói. Một số bệnh nhân có cảm giác đau rát, lan xuống vùng mông và mặt sau đùi. Một số hoạt động cơ thể có thể làm đau nặng thêm. Đau do gãy đốt sống thường xuất hiện đột ngột, đau nhói một vị trí và nặng lên khi cử động. Bệnh nhân thường kèm theo co cứng và cảm giác hạn chế vận động của cột sống; đau vai gáy và vùng cổ; tê bì vùng thắt lưng; đi đứng khó khăn; chuột rút. Một số bệnh nhân có kèm theo rối loạn tiểu tiện và đại tiện.
Ngoài ra, một số bệnh lý khác như hội chứng chùm đuôi ngựa, bệnh zona thần kinh, rối loạn giấc ngủ, bệnh nhiễm trùng... cũng có thể gây biểu hiện đau lưng. Bên cạnh nguyên nhân bệnh lý, đau lưng còn có thể đến từ những lý do như tư thế làm việc, vận động chưa đúng; mang vác vật nặng... Tình trạng này có thể giảm bớt khi nghỉ ngơi, xoa bóp đúng cách.
Thống kê cho thấy, gần 80% dân số toàn thế giới có ít nhất một lần bị đau lưng trong cuộc đời và 85% các trường hợp đau lưng không xuất phát từ bất cứ nguyên nhân bệnh lý cụ thể nào. Tại Mỹ, đau lưng đứng thứ năm trong các nguyên nhân phổ biến khiến bệnh nhân đi khám bệnh. Theo ước tính, cứ 4 người lớn thì có 1 người bị đau lưng kéo dài ít nhất một ngày trong mỗi 3 tháng. Thống kê năm 1998 tại quốc gia này cũng cho thấy, chi phí y tế điều trị chứng đau lưng lên đến 26,3 tỷ USD và ảnh hưởng đến ngày công lao động của 2% nguồn nhân lực.
Do đó, để phân biệt đau lưng do cơ xương khớp, bệnh thận hay các bệnh lý khác, người bệnh cần đi khám mới xác định được nguyên nhân chính xác.
Ngoài việc xem xét những biểu hiện lâm sàng, bệnh sử, tiền sử chấn thương, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh (như siêu âm, nội soi...), hay xét nghiệm nước tiểu (xem xét có máu, chất đạm, bạch cầu trong nước tiểu) nhằm đánh giá tình trạng của thận. Từ đó tìm ra nguyên nhân gây đau và có biện pháp điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, người bệnh nên uống nhiều nước và thường xuyên luyện tập thể dục thích hợp theo lứa tuổi để phòng ngừa các bệnh lý của thận.
Chang Chang