Thời điểm cần thử kháng nguyên PSA
PGS.TS.BS Vũ Lê Chuyên, Giám đốc Trung tâm Tiết niệu thận học, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM cho hay, rất nhiều nam giới tìm gặp ông trong trạng thái lo lắng vì kết quả xét nghiệm chỉ số kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (Prostatic Specific Antigen - PSA) trên 4.0. Đây là một trong những dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt, loại ung thư thường gặp nhất ở nam giới trên 50 tuổi.
Theo hướng dẫn của các quốc gia có nền y học tiên tiến trên thế giới, nam giới nên thử PSA ở độ tuổi 50, thời điểm ung thư tuyến tiền liệt phát triển nhiều nhất. Người có trực hệ về phía nam như ông nội, ông ngoại, cha, anh em ruột, chú, bác, cậu bị ung thư tuyến tiền liệt sẽ có nguy cơ cao hơn người khác đến 40 lần. Với nhóm người có trực hệ về phía nữ như bà ngoại, bà nội, mẹ, cô, dì bị ung thư vú cũng có tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt cao hơn người bình thường 15-20 lần. Hai nhóm đối tượng này cần được thử PSA sớm lúc 45 tuổi.
Chỉ số PSA bình thường là 0-4 và chỉ số PSA tự do/PSA toàn phần là 20%. Do đó, nếu chỉ số PSA dưới 4, tỷ lệ ung thư tuyến tiền liệt rất thấp. PSA 4-10, người bệnh có nguy cơ ung thư là 5,5%. Từ 10-30, nguy cơ ung thư là 15% và trên 30 là 67%.
Ở một số nước trên thế giới, điển hình như Mỹ, do tỷ lệ người bị ung thư tuyến tiền liệt cao gấp 35 lần người Việt Nam nên khi kết quả xét nghiệm PSA khoảng 2,6 người bệnh đã được chỉ định sinh thiết tuyến tiền liệt. Ở Việt Nam, các bác sĩ thường cân nhắc đến nhiều yếu tố trước khi chỉ định sinh thiết tuyến tiền liệt.
Nếu chỉ số PSA dưới 2,5, người bệnh cần sinh thiết tuyến tiền liệt 2-3 năm một lần. Với PSA trên 4 nên sinh thiết khoảng một năm một lần. Nếu chỉ số PSA dao động giữa 4-10, người bệnh cần được chỉ định xét nghiệm PSA tự do/PSA toàn phần. Trong trường hợp kết quả thu được dưới 20%, nghĩa là người bệnh có thể có bướu ác tính, mới cần sinh thiết tuyến tiền liệt.
Ngoài để tiên liệu và chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt, chỉ số PSA còn có thể giúp các bác sĩ theo dõi và điều chỉnh phương pháp điều trị. Nếu hướng điều trị hiệu quả, PSA sẽ giảm, thậm chí trở về 0. Khi ung thư tuyến tiền liệt được xạ trị, PSA sẽ giảm chậm hơn. Nếu sau điều trị chỉ số PSA tăng trở lại, có thể kết luận khối ung thư đã có di căn.
Tương quan giữa kích thước tuyến tiền liệt và chỉ số PSA
Trước đây, việc chẩn đoán ung thư hầu như chỉ qua xét nghiệm phosphatase kiềm hay Ankaline phosphatase trong máu và khi đó ung thư đã di căn xương. Các xét nghiệm khác không thể giúp chẩn đoán xác định tình trạng ung thư tuyến tiền liệt.
Vào thập niên 80, các nhà khoa học đã tìm thấy kháng nguyên đặc hiệu trong cơ thể người đàn ông là Prostatic Specific Antigen (PSA). Nhờ PSA, bác sĩ có thể phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt. Đây là loại protein được tiết ra từ chính tuyến tiền liệt, tồn tại chủ yếu trong tinh dịch và một lượng nhỏ ở trong máu.
Trong máu của tất cả nam giới đều có PSA. Tuy nhiên, ở người bị ung thư, nồng độ PSA sẽ tăng cao, cụ thể mỗi mỗi gram bướu ở tuyến tiền liệt sẽ tiết ra 1,15 nanogram/ml PSA. Với kích thước tuyến tiền liệt người bình thường là dưới 30 gam, chỉ số PSA khoảng 4,5 và không có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt.
Trường hợp người bệnh có tuyến tiền liệt rất lớn, khoảng 60 gam và lành tính, chỉ số PSA tương đương 9 nhưng vẫn được xem là bình thường. Tuy nhiên, với nam giới có kích thước tuyến tiền liệt nhỏ, tương đương 15 gam nhưng chỉ số PSA là 4, đó là bệnh lý.
Theo Phó giáo sư Chuyên, ngoài ung thư tuyến tiền liệt có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số PSA. PSA sẽ tăng cao ở người bị nhiễm trùng đường tiết niệu, lao tuyến tiền liệt, người vừa được thăm khám trực tràng bằng ngón tay (DRE)... Đặc biệt, chỉ số PSA tăng kéo dài trong khoảng một tuần khi người bệnh có quan hệ tình dục. Khi thăm khám, bác sĩ thường đặt câu hỏi về vấn đề này và nếu người bệnh có quan hệ tình dục sẽ được chỉ định xét nghiệm lại PSA sau đó khoảng 10-15 ngày.
Xét nghiệm PSA giúp định lượng kháng nguyên đặc hiệu của tuyến tiền liệt, được dùng để tầm soát, chẩn đoán và theo dõi điều trị ung thư tuyến tiền liệt.
"Tuy nhiên, sự xuất hiện của kháng nguyên này chưa thể khẳng định là người bệnh bị ung thư tuyến tiền liệt. Do đó, nếu chỉ số PSA là 4 như trường hợp nêu trên, nam giới không nên quá lo lắng. Tốt nhất là nên đến các cơ sở chuyên khoa để được thực hiện thêm các biện pháp kiểm tra khác, từ đó có phương án chăm sóc, điều trị phù hợp", Phó giáo sư Chuyên nhấn mạnh.
Hân Thái