Theo Thạc sĩ - Bác sĩ Tạ Ngọc Thạch, Khoa Nam học tiết niệu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cắt bao quy đầu đã được thực hiện từ thời cổ đại và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Thủ thuật này có nên được thực hiện không và thực hiện khi nào vẫn là một trong những vấn đề được tranh luận. Trên thế giới có khoảng 80% nam giới không được cắt bao quy đầu. Tỷ lệ thực hiện thủ thuật này ở độ tuổi trẻ sơ sinh cao hay thấp tùy thuộc vào các yếu tố như tôn giáo, dân tộc, địa vị xã hội, khả năng kinh tế, quan điểm của cha mẹ và thầy thuốc.
Ở Việt Nam, do nhiều lý do, cắt bao quy đầu được xem là một thủ thuật nhỏ nên được thực hiện tại phòng tiểu phẫu và ra về trong ngày. Tuy nhiên, trên thực tế đã có biến chứng phát sinh.
Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ biến chứng ở trẻ sơ sinh là 1,5-10%, phổ biến nhất là nhiễm khuẩn, chảy máu, loét phanh, viêm hoặc hẹp lỗ ngoài niệu đạo, dính bao quy đầu, hẹp bao quy đầu tái phát... Một số biến chứng khác tuy ít gặp hơn nhưng rất nặng bao gồm uốn ván, lao dương vật, viêm gan B, viêm gan C, viêm cầu thận, nhiễm trùng sinh dục... thậm chí là có thể là tử vong do nhiễm trùng huyết.
Do đó, bác sĩ Ngọc Thạch khuyến cáo nam giới chỉ nên cắt bỏ bao quy đầu trong những trường hợp thật sự cần thiết, khi sức khỏe bị ảnh hưởng như:
Hẹp bao quy đầu bệnh lý: Tình trạng này thường xuất hiện ở nam giới từ 17-31 tuổi, ít gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Với hẹp bao quy đầu bệnh lý, việc điều trị bằng thuốc Corticoid không đạt hiệu quả như mong muốn nên người bệnh được chỉ định cắt bao quy đầu.
Hẹp bao quy đầu bán phần bị nghẹt tái phát.
Viêm quy đầu, viêm quy đầu - bao quy đầu tái phát: Hai trường hợp viêm này có thể xảy ra riêng lẻ nhưng gây làm tổn thương cùng lúc. Biểu hiện đặc trưng là quy đầu sưng tấy, chảy mủ. Nguyên nhân gây viêm chủ yếu là do vi khuẩn E.Coli, Protéus vulgaris, các vi khuẩn phân hủy urê của nước tiểu... Viêm quy đầu - bao quy đầu chiếm tỷ lệ 3% tổng số bé trai chưa cắt bao quy đầu, 1/3 trường hợp trong số đó sẽ bị viêm tái phát và độ tuổi thường gặp nhất là 5-11 tuổi. Ở người trưởng thành không được cắt bao quy đầu, tỷ lệ viêm bao quy đầu cao hơn gấp 5 lần.
Bao quy đầu trướng phồng: Bao quy đầu tách ra không đồng đều sau khi cắt sẽ bị trương phồng, nhất là lúc tiểu tiện. Nam giới dễ viêm hố thuyền, viêm niệu đạo làm hẹp niệu đạo, dính bao quy đầu vào quy đầu, nếu không được phẫu thuật lại.
Bác sĩ Ngọc Thạch cho hay xét ở góc độ y khoa, cắt bao quy đầu trong trường hợp bệnh lý là một thủ thuật nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể thực hiện một số phương pháp điều trị xen kẽ như bôi thuốc Corticoides tại chỗ, rạch bao quy đầu ở mặt lưng và tạo hình cho các trường hợp cần thiết. Nam giới khi gặp các vấn đề về sức khỏe của cơ quan sinh dục, nên đến bệnh viện chuyên khoa để được các bác sĩ kiểm tra và tư vấn cụ thể, tránh biến chứng nguy hiểm và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các trường hợp không được cắt bao quy đầu bao gồm: trẻ sinh non và trẻ sơ sinh; người có bệnh rối loạn đông máu, dễ bị chảy máu; biến dạng gập góc ở lưng dương vật, trẻ có tật lỗ tiểu thấp, lỗ tiểu lệch cao, dương vật nhỏ hoặc hình chân vịt, bao quy đầu quá dài...
Hân Thái