Cơ quan chức năng TP Hà Nội dự kiến lựa chọn và lắp đặt thiết bị đo kiểm cho 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng xe máy, phục vụ việc đo khí thải tại 6 quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân và Hà Đông. Người dân mang xe máy cũ đến các địa điểm này để đo khí thải sẽ được hỗ trợ bằng hiện vật có giá trị khoảng 300.000 đồng mỗi trường hợp.
30 đại lý xe máy trên địa bàn thành phố sẽ thí điểm tham gia chương trình đổi môtô, xe gắn máy cũ (sản xuất trước 2002); nếu xe không bảo đảm điều kiện, sẽ được VAMM hỗ trợ kinh phí đổi xe từ 2 - 4 triệu đồng.
Độc giả Tô Thức cho rằng: Có đến 2,5 triệu chiếc xe máy cũ mà chỉ hỗ trợ có 5.000 nghìn xe thì nên không triển khai để tiết kiệm cho ngân sách, vì chả thấy tác dụng đâu. Phạt xe không đủ tiêu chuẩn thì sẽ tự biến mất.
Độc giả Nguyễn Hiếu đặt vấn đề: Tại sao phải hỗ trợ trong khi phương tiện công cộng đang cần nguồn lực để phát triển?
Độc giả Ngoc Tin cùng quan điểm: Hãy tập trung nguồn lực vào phát triển hạ tầng giao thông và phương tiện công cộng, đó mới là lợi ích vững bền.
Độc giả Nam cho rằng: Cần có một điều tra xã hội trước khi triển khai. Thực sự những người đi xe cũ không phải họ không đủ tiền mua xe mới, vì chiếc xe cũ kiếm được nhiều tiền khi chở hàng. Bây giờ đổi xe mới, không được chở cồng kềnh, kiếm được ít tiền hơn thì họ có chấp nhận không?
Trong khi đó, độc giả Bụi Trần nêu: Thu hồi xe cũ lại như đề xuất, hạn chế khung giờ các loại xe vào trung tâm thành phố từng bước cấm các loại xe luôn. Đầu tư xe buýt mới đẹp và chất lượng đồng thời đào tạo lại thái độ làm việc của nhân viên xe buýt, phát triển giao thông công cộng.
Độc giả Le Ha Thanh:
- Hỗ trợ để người dân chuyển đổi sang phương tiện đảm bảo độ "sạch", ít gây ô nhiễm hơn.
- Thực hiện triệt để việc đo, kiểm mức độ xả khí thải của tất cả các loại xe chạy bằng động cơ đốt trong kèm theo việc buộc phải loại bỏ xe không đạt tiêu chuẩn.
- Để giảm ô nhiễm do giao thông, Hà Nội nên xem xét bố trí lại luồng, làn đường cho các con đường rộng cho bớt kẹt xe. Ai đời đường càng làm rộng thênh thang thì càng kẹt xe, người dân thì đi vô tội vạ không theo luồng lạch.
Ví dụ đường Nguyễn Trãi có đến tám làn đường mỗi chiều mà không có lấy một giải phân cách phân luồng cứng. Có lẽ nên dành ba làn trong cùng để xe máy, hai làn giữa để hỗn hợp, một làn cho xe buýt nhanh, còn ba làn ngoài cùng cho xe ôtô. Các điểm giao cắt để đèn giao thông tuần tự cho các hướng.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp