(Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Tokyo là thành phố hoa lệ và có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất Nhật Bản, dĩ nhiên trong đó có chi phí đi lại. Nhiều người chọn sử dụng phương tiện công cộng để tiết kiệm, nếu sử dụng xe đạp và phương tiện giao thông công cộng, trung bình mỗi người tốn khoảng 10 ngàn yên (hơn 2,1 triệu đồng) mỗi tháng.
Trong số các loại hình giao thông công cộng tại đây, mạng lưới đường sắt đóng vai trò quan trọng. Gần một nửa người dân dùng tàu hỏa làm phương tiện đi lại chính. Phần còn lại dùng xe đạp, xe buýt và phương tiện cá nhân. Trong số 48% sử dụng mạng lưới đường sắt công cộng, phân nửa đi lại nhờ hệ thống tàu điện ngầm tối tân.
Vào những giờ cao điểm sáng chiều, hệ thống tàu điện ngầm rất đông khách. Người người chen chúc nhau trên tàu khiến chúng được ví von đó là những chuyến tàu "bánh kẹp". Các nhà ga phải bố trí đội ngũ nhân viên riêng gọi là "oshiya" chỉ để nhồi khách lên tàu.
Mỗi toa tàu giống như một cái hộp được nhồi nhét đầy người bên trong. Nhiều bức ảnh chụp lại cảnh tượng hết sức kinh khủng trong đó, nhiều người bị nêm chặt, phùng mang trợn má áp sát vào cửa kính. Dù bị hành hạ như thế nhưng họ vẫn chọn giao thông công cộng để đi làm hàng ngày. Tôi chẳng thấy người Nhật nào lên mạng than vãn và đòi đi xe cá nhân để không chịu tình cảnh bị chen lấn cả.
Ở ta, hệ thống tàu điện đô thị ì ạch cả chục năm trời vẫn chưa xong nên không bàn đến. Phương tiện công cộng khả dĩ nhất là xe buýt nhưng mỗi khi nhắc đến thì rất nhiều người buông lời than vãn, chê bai và chối bỏ với những lý do rất ích kỷ: "Phải đi bộ một quãng xa thì mới bắt được xe buýt", "Đi xe buýt phải chen lấn, mệt mỏi lắm", "Nên dẹp bỏ xe buýt vì nó chiếm làn đường xe máy"...
Lười đi bộ khiến người ta nhảy lên xe máy rồi rồ ga đi bất cứ đâu dù quãng đường dài hay ngắn. Nếu sợ chen lấn, tại sao không cố gắng đi sớm hơn? Ở những khung giờ cao điểm thì tình trạng chen lấn, nhồi nhét xảy ra là điều hiển nhiên rồi, có gì để than vãn?
Biết rằng so sánh hệ thống tàu điện ngầm tối tân ở Nhật và hệ thống xe buýt ở Việt Nam là rất khập khiễng, nhưng tôi tự hỏi, từ khi nào chúng ta trở nên thiếu tinh thần xây dựng, góp ý mà chỉ chăm chăm chê bai và chối bỏ như vậy. Từ khi nào mà lợi ích riêng được đi xe máy cho nhanh, cho tiện của mỗi người đã chiếm thế thượng phong và dường như thủ tiêu luôn những giá trị cộng đồng như thế?
Xe buýt tồn tại nhiều bất cập như nóng nực, móc túi...đã là chuyện của nhiều năm trước. Những năm gần đây ngành xe buýt đã dần dần xây dựng hình ảnh văn minh hơn. Xe đời mới hơn, thơm tho sạch sẽ hơn, máy lạnh phà phà, tiếp viên bớt cau có hơn. Nhưng lại không thấy ai ghi nhận và khen ngợi. Ngược lại, khi có những ý kiến kêu gọi mọi người từ bỏ xe cá nhân để đi xe buýt thì ai nấy cũng mặc sức than vãn và chê bai. Những người này đã bao giờ thức sớm, đi bộ và bắt xe buýt đi học, đi làm trong vòng một năm trở lại đây hay chưa?
Hệ thống giao thông công cộng ở ta đi sau nước ngoài hàng chục năm. Đã thế, khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển nóng, lượng người nhập cư đổ về các đô thị khiến hạ tầng giao thông chịu áp lực rất lớn. Mỗi năm hàng triệu người đổ về TP HCM, Hà Nội học tập và sinh sống, nếu mỗi người đem theo một chiếc xe máy thì không đường xá nào chịu nổi. Cơ quan quản lý cũng đã cố gắng triển khai, xây dựng những công trình để giải quyết những áp lực cố hữu của giao thông như kẹt xe, tắc đường, nhưng trên hết, rất cần sự cảm thông và hy sinh của người dân thì mới dung hoà được vấn đề.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Anh Minh