"Sao con hư thế nhỉ? Mẹ nói đã bảo không được nghịch nữa mà. Bẩn hết quần áo rồi còn đâu. Sao con cứng đầu, không chịu nghe lời vậy. Con không ngoan thì mẹ sẽ không yêu con nữa...". Tôi lặng lẽ lắng nghe người mẹ mắng đứa con mới khoảng ba tuổi của mình trong khu vui chơi của khu chung cư. Đứa bé hiếu động nghịch đất cát lấm lem cả áo quần đứng im chịu trận trước những lời mắng mỏ giận dữ của người mẹ. Tôi quay sang nhìn con trai của mình, cũng tầm tuổi của cậu bé kia, đang mải miết xúc đất, đào cát, vầy nước, và thầm nghĩ về chữ "ngoan" trong quan niệm của nhiều cha mẹ Việt.
Có lẽ tôi khác với đại đa số các bậc phụ huynh khác khi gần như chẳng ngăn cấm con bất cứ việc gì. Con tôi gần ba tuổi, thuộc dạng hiếu động, luôn chân luôn tay, khá nghịch ngợm và thích khám phá thế giới. Mỗi bữa ăn, tôi cho con tự xúc. Nói là tự xúc chứ thực ra với con là một cuộc vầy nát thức ăn và cho vào miệng. Bố mẹ chồng tôi không thích cách dạy đó của tôi. Họ nói đó là "bẩn", là "tạo thứ cho nó phá chứ ăn được là bao". Họ cho rằng phải xúc con con ăn từng thìa, vừa sạch, vừa đút được nhiều, thế mới là chăm con.
Trong chuyện vui chơi của con cũng vậy, tôi để mặc cho con chơi thứ con thích, kể cả nghịch đất, cát. Ông bà của con thì không như thế. Mỗi khi thấy cháu nghịch cốc chén, ông bà quát "không được, vỡ hết bây giờ"; thấy cháu vầy nước, ông bài lại mắng "ướt hết quần áo bây giờ"; thấy cháu bầy bừa đồ chơi, ông bà lập tức nạt "chơi đến đâu lấy ra đến đây, sao lại bày hết ra thế kia"... Và sau tất cả, con bị yêu cầu phải ngồi yên xem TV bởi "như thế mới là ngoan".
>> Những đứa con bị 'đúc khuôn' vâng lời
Tôi nghĩ đây là cách dạy trẻ con của đại đa số người Việt. Chúng ta thường áp đặt những suy nghĩ, kiến thức và kinh nghiệm mình lên trẻ nhỏ, luôn coi rằng như thế là dạy con ngoan, biết nghe lời. Với họ, trẻ ngoan là người lớn bảo gì nghe nấy, nói ngồi yên là ngồi yên, bảo không được làm gì là phải răm rắp tuân lệnh.
Chúng ta nghĩ rằng như vậy là bảo vệ trẻ khỏi những mối nguy hiểm. Nhưng chúng ta quên mất rằng, nhận thức và thế giới quan của trẻ con hoàn toàn khác người lớn. Chúng có thể nghe theo mệnh lệnh của bạn, nhưng sẽ hoàn toàn như một cái máy, nghe lời vì sợ hãi chứ không phải biết thế nào là đúng, là sai?
Tôi luôn chọn làm ngược lại với số đông đó. Tôi để con nghịch nước dẫu biết áo quần ướt nhẹp, vì tôi vui khi thấy con chạy lại khoe "mẹ ơi nước chảy này". Tôi cho con xúc đất, cát làm mặt mũi lem luốc để con có thể cảm nhận được đất mịn thế nào, cát sạn ra sao?
Tôi để con chạy nhảy, nô đùa, phá phách đủ thứ để con có cơ hội tiếp xúc, cảm nhận với thế giới rộng lớn này - thứ mà con sẽ không bao giờ có được nếu chỉ ngồi yên một chỗ. Đó là cách tốt nhất để giúp con trưởng thành.
Có lẽ với nhiều người, tôi là một bà mẹ "không biết dạy con", "chiều hư con", nhưng tôi chấp nhận tất cả những lời dị nghị đó. Bởi chỉ cần thấy con lớn lên mỗi ngày, hiểu biết hơn về thế giới, tự nhận ra những thứ nguy hiểm để tránh xa, tự cảm nhận được bản thân mình muốn gì, thích gì... như vậy là đủ để tôi biết mình đang làm đúng.
Con tôi dù nghịch ngợm nhưng nhanh nhẹn và hiểu biết hơn nhiều bạn bè đồng trang lứa. Trong khi những đứa trẻ khác được huấn luyện thành "con ngoan", "gọi dạ bảo vâng", con tôi chỉ đơn giản là được làm những gì mình thích.
Nếu có thêm em bé, chắc chắn tôi vẫn sẽ giữ cách dạy dỗ này. Tôi sẽ để con luôn vui vẻ và tự do khám phá thế giới đầy sắc màu mà không cần bận tâm đến việc phải ngoan đến mức độ nào thì mới "được mẹ yêu". Tôi không muốn con mình ngập ngừng, do dự trước mỗi quyết định, mơ ước chỉ vì sợ làm phật lòng người khác.
Tôi muốn con sống hết mình, trải nghiệm tất cả những gì có thể để tự làm chủ cuộc sống mình sau này. Tôi vẫn sẽ yêu con dù chúng "hư" trong mắt người khác. Xét cho cùng, "ngoan" có giá trị gì để phải đánh đổi cả tuổi thơ của con?
>> Bạn dạy con nghe lời hay để chúng tự do khám phá? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.