Ánh nắng mặt trời chứa nhiều loại tia với các bước sóng khác nhau, trong đó tia cực tím A (UVA) có khả năng gây lão hóa da như nếp nhăn, đồi mồi và có thể xuyên qua kính. Tia cực tím B (UVB) gây cháy nắng nhưng không thể xuyên qua kính. Người tiếp xúc nhiều với hai loại tia UV có gây nguy cơ ung thư da.
Có hai loại kem chống nắng chính là kem chống nắng khoáng chất (vật lý) và kem chống nắng hóa học. Chúng đều có khả năng chống lại tác hại của các tia cực tím nếu chọn loại phổ rộng, sử dụng đúng cách và phù hợp loại da.
Kem chống nắng vật lý
Kem chống nắng vật lý hoạt động bằng cách phân tán và đẩy ngược tia cực tím của mặt trời ra khỏi da. Nó có chứa titan dioxide, oxit kẽm hoặc đôi khi cả hai. Trong các sản phẩm chống nắng trước đây, các hạt này thường có kích thước lớn, màu trắng hoặc trắng đục khi thoa lên da.
Một dạng kem chống nắng vật lý mới hơn là kem chống nắng vi mô hóa, sử dụng các thành phần tương tự nhưng có công thức dưới dạng hạt nano, nhỏ và trong suốt hơn trên da. Những loại kem chống nắng này vẫn phản xạ với ánh sáng mặt trời nhưng hoạt động chủ yếu bằng cách hấp thụ các tia UV trước khi chúng gây tổn thương cho da.
Ưu điểm:
Phù hợp cho người có làn da nhạy cảm hoặc da không đều màu.
Chứa oxit kẽm và oxit titan, các chất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) liệt kê là an toàn.
Bảo vệ da khỏi cả tia UVA và UVB.
Bảo vệ da tùy theo liều lượng sử dụng.
Nhược điểm:
Có thể để lớp kem trắng trên da.
Gây cảm giác nhờn dính.
Cần bôi lại thường xuyên hơn kem chống nắng hóa học vì có thể tan trong nước hoặc mồ hôi.
Kem chống nắng hóa học
Kem chống nắng hóa học chứa các hóa chất hấp thụ tia cực tím của mặt trời trước khi chúng có thể làm hỏng làn da. Các tia được giải phóng khỏi da dưới dạng nhiệt.
FDA và các chuyên gia đã nghiên cứu kem chống nắng hóa học trong nhiều năm để đánh giá độ an toàn. Năm 2020, một dự án đã thực hiện 29 nghiên cứu nhằm kiểm tra tác động của hai thành phần trong kem chống nắng hóa học là oxybenzone (BP-3) và octinoxate (OMC). Đánh giá cho thấy các hóa chất này có đi vào máu nhưng dường như không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần có nhiều nghiên cứu thêm.
Kể từ năm 2019, FDA cũng đã cấm hai thành phần trước đây được sử dụng trong kem chống nắng hóa học là PABA và trolamin salicylat.
Ưu điểm:
Dễ sử dụng và có nhiều dạng khác nhau như dạng xịt, kem thoa, lotion.
Không gây nhờn dính trên da.
Bảo vệ khỏi cả tia UVA và UVB.
Có thể chống nước.
Bảo vệ da lâu hơn kem chống nắng khoáng chất.
Nhược điểm:
Phải bôi trước khi ra nắng 15-30 phút để có hiệu quả.
Có thể gây viêm với da nhạy cảm hoặc gây phản ứng dị ứng.
Tính an toàn của các thành phần hóa học gây lo ngại.
Ngoài hai loại kem chống nắng trên còn có loại chứa cả thành phần khoáng chất và hóa học. Dù sử dụng loại nào, mọi người đều nên chọn sản phẩm chống nắng phổ rộng, có tác dụng chống lại cả tia UVA và UVB, với chỉ số chống nắng (SPF) ít nhất là 30.
Người có tông màu da sẫm hơn hoặc da không đều màu có thể cân nhắc sử dụng kem chống nắng có màu với oxit sắt hoặc titan dioxide sắc tố. Kem chống nắng có màu bảo vệ khỏi ánh sáng nhìn thấy được, cũng như tia UVA và UVB. Ánh sáng nhìn thấy được có thể làm da sẫm màu hoặc không đều màu.
Thoa đều kem chống nắng lên các phần da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và thoa lại sau mỗi hai giờ, sau khi đi bơi hoặc đổ mồ hôi nhiều.
Để bảo vệ da, mọi người nên đội mũ, mặc áo quần dài và đeo kính râm khi ra ngoài trời. Mặc quần áo có hệ số chống tia cực tím (UPF) với chất liệu được xử lý để cản nắng. Quần áo có màu càng đậm và sợi dệt càng chặt thì khả năng bảo vệ càng cao. Hạn chế ra ngoài vào khung giờ cao điểm của tia UV lúc 10-16h.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh da liễu - thẩm mỹ da tại đây để bác sĩ giải đáp |