Hormone testosterone được sản xuất chủ yếu ở tinh hoàn, đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển chức năng tình dục, khối lượng cơ và xương, chi phối hành vi, ảnh hưởng đến ngoại hình của người đàn ông.
Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Thế Trường, Phó trưởng Khoa Nam học, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, sự phát triển của râu, lông được thúc đẩy bởi hormone testosterone. Mức độ testosterone khác nhau ở mỗi người. Với nam giới từ 19-38 tuổi, giới hạn bình thường của hormone là 300-1.000 nanogram trên mỗi decilit (ng/dL), tương ứng với phân vị thứ 3-10 của testosterone. Nếu nồng độ testosterone dưới 300 ng/dL, nam giới được xem là thiếu hormone nam tính. Khi testosterone thấp sẽ có một số dấu hiệu điển hình liên quan đến khả năng sinh lý như giảm ham muốn, rối loạn cương, xuất tinh sớm, tinh hoàn nhỏ...
Về sức khỏe tổng thể, người có testosterone thấp sẽ gặp các vấn đề về cơ xương khớp như dễ loãng xương, cơ mỏng, cơ bắp chùng nhão... và dễ mắc bệnh tim mạch, suy giảm trí nhớ. Đặc biệt, nồng độ testosterone trong máu thấp còn là nguyên nhân khiến cho râu, lông thưa. Người trẻ tuổi chậm mọc râu, lông, giọng nói thiếu độ trầm ấm. Các nghiên cứu khoa học cũng cho biết, testosterone còn rất quan trọng với hệ thần kinh, nên khi thiếu hormone này nam giới thường dễ buồn bã, uể oải, thậm chí là trầm cảm.
Khả năng sản xuất testosterone chịu ảnh hưởng bởi yếu tố tuổi tác. Theo Hiệp hội Tiết niệu Mỹ, khoảng 40% nam giới từ 45 tuổi trở lên có testosterone thấp. Nồng độ testosterone giảm dần một cách tự nhiên. Mỗi năm, nam giới sau 40 tuổi thường suy giảm testosterone từ 1-2%. Một số điều kiện khác khiến cho nam giới thiếu testosterone là do tinh hoàn bị chấn thương, tác dụng phụ của thuốc hóa trị hoặc xạ trị trong điều trị ung thư, các vấn đề ở tuyến yên, bệnh thận, bệnh tự miễn, rối loạn chuyển hóa, rối loạn sử dụng rượu, béo phì.
Giảm testosterone còn do nguyên nhân stress kéo dài, người lo âu, trầm cảm, có bệnh mạn tính hoặc sang chấn tâm lý... Tinh hoàn nhỏ, nhẽo gây giảm testosterone. Đặc biệt, trẻ bị suy sinh dục từ khi còn bé không được phát hiện và điều trị trước 10 tuổi dẫn đến hậu quả ở tuổi dậy thì tinh hoàn không phát triển, gây testosterone thấp, không có tinh trùng ở tuổi trưởng thành. Testosterone cũng thấp ở người lạm dụng rượu bia và sử dụng thuốc kích thích, hoạt động tình dục vô điều độ.
Để chẩn đoán tình trạng này, ngoài thăm khám lâm sàng, bác sĩ còn chỉ định xét nghiệm huyết thanh đánh giá nồng độ testosterone, xét nghiệm hormone luteinizing, xét nghiệm mức prolactin trong máu.
Bác sĩ Thế Trường cho biết việc chữa trị thiếu hormone testosterone phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Với tình trạng thiếu hormone đơn thuần, các bác sĩ sẽ sử dụng liệu pháp bổ sung hormone bao gồm: thuốc uống, thuốc tiêm, viên đặt dưới da, gel thoa... Đây là phương pháp điều trị suốt đời. Nếu ngừng điều trị, nồng độ testosterone của người bệnh sẽ giảm xuống. Khi lựa chọn liệu pháp này, nam giới có thể gặp các tác dụng phụ bao gồm: phì đại tuyến tiền liệt, teo tinh hoàn, giảm số lượng tinh trùng, tăng hồng cầu, tay chân sưng phù do trữ nước nhiều, mụn... Người bệnh không được dùng liệu pháp bổ sung testosterone trong các trường hợp: có bệnh tim mạch, ung thư tuyến tiền liệt, mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, dự định sinh con.
Theo bác sĩ Thế Trường, bên cạnh tuân thủ việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, giải pháp hiệu quả nhất giúp ổn định nồng độ testosterone là xây dựng lấy sống cân bằng. Nam giới cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tránh sử dụng thực phẩm nhiều tinh bột, chất béo làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề về rối loạn chuyển hóa. Vận động thường xuyên giúp giữ cân nặng ổn định, tắm nắng, ngủ đủ giấc để không bị căng thẳng. Khi căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra hormone cortisol ức chế việc sản xuất testosterone.
Nếu nhận thấy bản thân có biểu hiện chậm mọc râu tóc, hay lông thưa, tóc rụng, nam giới nên đến bệnh viện chuyên khoa Nam học để được kiểm tra và tư vấn chi tiết. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc bổ sung testosterone. Việc này có thể gây các tác dụng phụ và một số nguy cơ lớn cho sức khỏe như hình thành cục máu đông, gây bệnh tim mạch, phì đại tuyến tiền liệt, giảm khả năng sinh sản...
Hân Thái