Nói về câu chuyện sản phẩm Made in Vietnam lép vế so với hàng Trung Quốc, có rất nhiều người cứ nhìn vào con số một tỷ dân của Trung Quốc mà nghĩ thị trường của họ sẽ rộng. Thực tế, dù Trung Quốc có một tỷ người thật, nhưng họ cũng có vài ba trăm triệu doanh nghiệp cạnh tranh nhau. Khi đó, chỉ có chất lượng, khả năng chăm sóc khách hàng mới khiến mỗi doanh nghiệp tồn tại.
Trở lại với câu chuyện cái khoen bị thiếu trên hộp sữa sản xuất tại Việt Nam, tôi cho rằng tất cả chỉ nói lên một điều là thói quen đổ lỗi của doanh nghiệp Việt, chỉ đưa cái thiệt về người dùng, mong muốn có lợi nhuận ngay khi làm cái ngọn, không muốn phát triển bền vững từ cái gốc.
Vừa rồi, tôi mua một chiếc camera hành trình gắn xe do Trung Quốc sản xuất. Do yếu tố ngoại quan (bị đá đập vào), một bên camera bị hư. Tôi nghĩ rằng mình sẽ không được bảo hành do mua hàng xách tay từ Trung Quốc. Thế nhưng, sau khi nhắn tin cho bên bán để hỏi mua lẻ phụ tùng thay thế, họ hỏi tôi rất cặn kẽ về lý do sản phẩm bị hỏng và nhờ tôi chụp hình lại. Sau đó, người bán nói rằng sẵn sàng gửi cho tôi một sản phẩm khác thay thế mà không mất chi phí gì.
Về lý thuyết họ không cần có trách nhiệm bảo hành cho tôi vì lỗi không thuộc về thiết kế. Thế nhưng, họ vẫn làm, vẫn hỗ trợ tôi rất nhiệt tình như một cách để mở rộng thì trường ở nước ngoài. Và các chăm sóc khách hàng đó khiến tôi thực sự bị ấn tượng theo hướng rất có thiện cảm.
>> Nỗi oan hộp sữa Made in Vietnam bất tiện vì thiếu khoen
Hiện nay, người tiêu dùng cũng có nhiều phân khúc. Có người chọn sản phẩm giá rẻ, nhưng cũng chẳng thiếu người khác sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho những tiện ích được nhận lại. Tôi không biết các doanh nghiệp Việt làm ăn lớn cỡ nào nhưng nếu một cái khoen hộp sữa cũng không làm vì ảnh hưởng chi phí (trong khi giá nhân công Việt Nam hiện tại rẻ hơn nhiều khi so với Trung Quốc) thì chẳng trách khách hàng quay lưng.
Đến ngay cả những doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn phải liên tục tung ra khuyến mãi, chiết khấu cho khách tận 10-15% để giữ chân người dùng thì chẳng có cớ gì mà những doanh nghiệp Việt lại tiếc một cái khoen mở hộp? Có người nói chi tiết nhỏ đấy chẳng có ý nghĩa gì, nhưng cứ hình dung nếu bạn không ở nhà, không có đồ mở hay đang ở khu vực bão lũ thì biết phải sao?
Ngay cả các thiết bị máy móc đắt tiền bây giờ nhà sản xuất đều hướng tới thiết kế "toolless" (không cần dụng cụ ngoài) để khách hàng có thể dễ dàng tháo lắp. Thế nên, đây không phải vấn đề chi phí mà là sự thân thiện với người dùng. Mở hộp một sữa không có khoen, tôi không hề thấy giảm nguyên liệu mà ngược lại còn làm tăng nguyên liệu và chi phí mua thêm dụng cụ hỗ trợ từ phía người dùng.
Bạn cứ thử tưởng tượng xem các loại bao bì bây giờ bắt buộc phải có kéo mới cắt được; các loại kem đánh răng, chai nước phải có dụng cụ vặn mới mở được nắp, thì bạn sẽ thấy nó bất tiện cỡ nào? Chẳng nhẽ đi dã ngoại cũng phải mang một thùng đồ để mở một, hai cái hộp, vài ba chai bia?
Một nhà sản xuất ổ cắm điện không thể sống mãi với một sản phẩm 6.000 W được. Họ phải tiếp tục đưa ra những sản phẩm khác tiên phong hơn, như ổ cắm chống giật, ổ cắm tích hợp sạc, ổ cắm wifi tắt bật từ xa... Tức là nhà sản xuất phải liên tục đổi mới, tạo nên hệ sinh thái riêng thì mới tồn tại được trong thị trường phát triển nhanh và đầy thay đổi này.
Hãy nhìn một thương hiệu giày dép lâu đời ở Việt Nam. Hàng chục năm trước, họ chỉ làm những sản phẩm rất cơ bản, thiếu sáng tạo, nên kinh doanh rất lẹt đẹt, mãi không thể phát triển. Thế nhưng, cách đây ít năm khi họ tạo ra một dòng sản phẩm giày mới hướng đến giới trẻ, bắt kịp xu hướng, thay đổi tư duy quảng cáo, kinh doanh, nên đã tạo được một cơn sốt trong chính nhóm khách hàng Việt trẻ - những người trước giờ chi biết đến hàng ngoại.
Điều đó chứng tọ các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh được với sản phẩm ngoại nhập. Vấn đề là chúng ta đã thực sự có tâm và có tầm, bắt tay vào làm hay chưa?
Giờ thị hiếu người dùng đã rất khác. Cái thuở ăn chắc mặc bền đã qua lâu rồi; khách hàng ngày nay thích ăn ngon mặc đẹp, thậm chí là ăn tiện mặc sang. Thế nên, muốn cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt phải luôn thay đổi, tạo lối đi riêng, tích cực nâng cao trải nghiệm người dùng mới được lòng khách hàng và mong có chỗ đứng. Nếu không, chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà, ngay cả khi có bao nhiêu sắc luật và thuế bảo vệ hàng nội địa.
Đừng nghĩ đến cái lợi mà quên đi cái trách nhiệm với người dùng. Dó mới chính là thứ đang cản trở bước tiến của các doanh nghiệp Việt, không phải là kỹ năng sản xuất hay tay nghề.
- Mối nguy cho shop online Việt đằng sau chiếc gioăng cao su bồn cầu
- Đánh vật mở nắp lon đồ hộp 'made in Vietnam'
- Những sản phẩm 'made in Vietnam' thách thức độ kiên nhẫn của khách hàng
- Thất vọng từ nắp chai nước mắm đến gói gia vị 'made in Vietnam'
- Nỗi bực mình vì keo dán nhãn 'made in Vietnam' rửa mãi không sạch
- Những nút chai bất tiện 'Made in Vietnam'