Tôi vừa mua một bình pha cà phê rất đẹp ở một siêu thị trong nước. Sau khi về nhà và làm sạch sản phẩm trước khi sử dụng, tôi bị ức chế khi cố bóc tem dán nhãn trên sản phẩm. Điều đáng nói là nhãn dán gốc của nhà sản xuất nước ngoài rất dễ bóc sạch sẽ, nhưng nhãn của nhà nhập khẩu và nhà bán lẻ lại có keo dính rất chặt, khó tẩy sạch. Nếu bóc bằng tay không sẽ dễ để lại keo dính, phải dùng tới hóa chất mới tẩy sạch được, rất mất công.
Với sự phát triển của công nghệ mã vạch, được áp dụng rộng rãi trong kinh doanh và quản lý hàng hóa, tem nhãn hàng hóa đã trở thành một phần không thể thiếu trong các mặt hàng hiện nay. Tem nhãn trên hàng hóa từ siêu thị, cửa hàng thường dùng để in mã vạch, thông tin sản phẩm, giá thành.
Cần thiết là thế nhưng nó lại gây khó chịu cho người dùng khi lớp keo dán tem nhãn sản phẩm sau khi bóc ra sẽ rất khó để lau chùi. Càng để lâu, lớp keo trên tem nhãn càng bám dính chặt, khó có thể bóc ra. Nếu cố tình bóc, một là chúng ta sẽ làm rách, hai là để lại lớp keo bẩn, dính rất khó chịu.
>> Những nút chai bất tiện 'Made in Vietnam'
Tem được dán trên hàng hóa thường được dán chặt bằng keo chuyên dụng nên gây khó khăn khi bóc và thường để lại lớp keo thừa trên sản phẩm. Lớp keo này có độ bám dính chặt, khó bong tróc, khó tẩy rửa bằng nước thông thường. Nếu không làm sạch tận gốc thì lâu dần keo sẽ bám theo nhiều bụi bẩn, vi khuẩn tạo thành màu xám đen, ảnh hưởng đến thẩm mỹ và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Có người bảo rằng phải dùng keo dán chặt như vậy để tránh bị bóc tem tráo hàng. Nhưng thử hỏi có ai lại muốn dùng một sản phẩm mới mà còn dính keo hay không? Tôi đã bị như vậy nhiều lần và rất khó chịu vì chuyện này. Có lần tôi dùng axeton gỡ keo ra thì bị tẩy đi cả lớp tráng nhựa bên ngoài sản phẩm, thành ra hỏng luôn món đồ mới mua.
Các nhà sản xuất, dịch vụ ở Việt Nam còn chưa trau chuốt đến những chi tiết để đẹp lòng khách hàng: nắp chai nước mắm mỗi lần mở là văng tung tóe, ghế nhựa sắc cạnh dễ gây đứt tay..., và keo dán như trên. Đừng bao giờ quên rằng đó không hề là tiểu tiết, mà thực sự giá trị để giúp bạn cạnh tranh, gây dựng lòng trung thành của người tiêu dùng.
Trên mạng, người ta bày nhau nhiều cách để tẩy sạch keo dính trên tem nhãn sản phẩm, nhưng tôi hầu như không thấy ai đề cập đến trách nhiệm của các nhà phân phối, bán lẻ khi gây bất tiện cho khách hàng vì sử dụng loại keo dán khó lau chùi. Tại sao người tiêu dùng luôn phải chịu hậu quả không đáng có dù đã bỏ tiền để mua sản phẩm?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.