Gần đây, nhiều người than phiền về những bất cập trong quá trình sử dụng các sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam. Tôi đang sinh sống ở Đức, làm trong một nhà hàng của người Việt. Trong quá trình làm việc, tôi cũng không ít lần gặp phải những rắc rối liên quan đến chất lượng hoàn thiện của sản phẩm Việt.
Cụ thể, mỗi lần tôi pha nước uống cho khách, cứ tới cái món nào liên quan đến trái vải của Việt Nam là tôi rất bực mình. Nước ép trái vải của Đức được đựng trong hộp được thiết kế tiện lợi nên tôi mở nắp rất dễ dàng. Nhưng tới phần lấy trái vải đóng hộp của Việt Nam thì tôi luôn phải chạy vào bếp nhờ người khác có sức khỏe khui giùm. Thiết kế hộp của sản phẩm Việt không có khoen bất nắp, khiến người dùng mất rất nhiều thời gian cho việc tìm cách mở.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với lon sữa đặc. Hàng Việt xuất sang Đức cũng y chang như vậy. Trong khi các lon đồ hộp hàng sản xuất tại Đức đều có khoen ở nắp để mở dễ dàng, không tốn sức, như nước cốt dừa, trái cây đóng hộp, các loại đậu... Sống ở đây lâu nên tôi cũng đã quen với cái hộp được thiết kế luôn có cái khoen. Vì thế, nhà tôi chẳng bao giờ có đồ khui hộp.
Bữa nọ, tôi mua một lon sữa đặc của Việt Nam (vì tôi mê quá nên tính mua về để ăn với bơ). Khi bơ đã sẵn sàng trong ly, muỗng đã chuẩn bị, tôi cầm tới lon sữa mới nhận ra người ta không làm khoen để mở nắp, cũng chẳng cho kèm đồ khui hộp. Thế là tôi loay hoay, lấy mũi dao (vốn dùng để chặt thịt) với cái chày hì hụi đục ầm ầm trong bếp. Đục xong cái nắp, tôi mệt đứt hơi và hết muốn ăn luôn. Thực sự, tôi thấy rất nản với các thiết kế đồ hộp của sản phẩm "made in Vietnam".
>> Tôi mua đồ Thái Lan rẻ hơn hàng 'made in Vietnam'
Nhân đây, tôi cũng xin chia sẻ một chút về lý do vì sao người dân Đức lại ưa chuộng sử dụng hàng nội địa. Thứ nhất, điều đó xuất phát từ tinh thần ủng hộ hết mình cho địa phương của người dân. Tôi lấy ví dụ, mỗi thành phố có một thương hiệu nước giải khát riêng, người dân luôn ưu tiên sử dụng thương hiệu của thành phố họ sống, sau đó mới đến thương hiệu của thành phố khác trong nước, rồi cuối cùng mới đến hàng ngoại nhập. Các thương hiệu từ các châu lục khác rất ít mặt hàng trên các kệ siêu thị ở Đức.
Thứ hai, để nhận được sự tin dùng của người dân như vậy, chất lượng hàng nội địa của Đức cũng cực kỳ tốt, giá lại rẻ hơn so với hàng của các nước trong khối. Người Đức chú ý chi li từng chi tiết nhỏ trong sản phẩm của mình, luôn tôn trọng khách hàng. Thế nên, tất cả những chi tiết khi kết nối, lắp ráp đều vừa khít, đảm bảo thuận tiện, dễ dàng nhất cho người tiêu dùng.
Các mặt hàng điện tử của họ cũng rất bền. Các sản phẩm như máy giặt, TV... khi bị hư cũng thường bị người dân bỏ luôn, mua cái mới, không cần sửa chữa vì công sửa có khi còn đắt hơn mua mới. Khi muốn chuyển nhà, hệ thống tủ bếp sofa, ghế bàn cũ đều được bỏ hết để mua mới. Chính quyền địa phương sẽ đi thu gom lại những đồ cũ đó. Thế nên, trong nhà người dân Đức, tất cả đồ đạc luôn rất mới và phần lớn là hàng nội địa.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.