"Tôi từng mua một chiếc tủ đông. Lúc xem sản phẩm trưng bày thì rất sạch đẹp, vậy mà khi hàng giao đến, tôi thấy tủ bị dán thêm hai miếng giấy quảng cáo to đùng: một ở trên nắp, một ở mặt trước. Tôi thấy khó chịu nên thử bóc một miếng dán trên nắp, nhưng lau mãi bằng mọi cách cũng không ra hết keo. Hơn nữa, vị trí keo lại ở nắp trên của tủ nên rất dính bụi, nhìn đen ngòm. Đến nay đã gần hai năm rồi nhưng tôi rất nản vì vẫn chưa lau sạch được vết keo".
Đó là chia sẻ của độc giả Tha Nguyen Duc xung quanh câu chuyện "Nỗi bực mình vì keo dán nhãn 'made in Vietnam' rửa mãi không sạch". Tình trạng kéo dính trên dán nhãn các sản phẩm Việt khó lau chùi từ lâu đã là nỗi khó chịu của người tiêu dùng. Thế nhưng, sau nhiều năm, có vẻ các nhà phân phối, bán lẻ vẫn chưa chú ý đến việc khắc phục tình trạng này.
Cùng chung nỗi bức xúc, bạn đọc Đăng Ninh này tỏ: "Tôi cũng mua một chiếc cốc nhựa nhập khẩu từ Nhật Bản. Sản phẩm có hai cái tem, một của nhà sản xuất và một của công ty nhập khẩu Việt Nam. Cái tem của Nhật Bản nhìn rất đẹp và bóc ra nhẹ nhàng mà không để lại dấu vết, trong khi tem của Việt Nam thì nhìn như tờ giấy lộn, bóc mãi không được lại còn dính keo. Đã hai năm rồi và vết keo vẫn nằm trên cái cốc đó".
"Sản phẩm có tem dán bên ngoài còn đỡ, tôi rất ức chế vì nhiều nơi dán tem ngay trong lòng các loại đĩa, bát. Tôi mua về rồi nên phải rất vất vả để tẩy sạch các vết keo dính trên tem mới sử dụng được. Sau mấy lần như vậy, bây giờ tôi lại quay ra mua hàng ngoài chợ chứ không muốn mua hàng trong siêu thị nữa", độc giả Tô Hòa nói thêm.
>> Những nút chai bất tiện 'Made in Vietnam'
Không chỉ riêng câu chuyện tem dán nhãn khó tẩy sạch, chất lượng hoàn thiện của các sản phẩm Việt từ lâu cũng là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Bạn đọc Ongkenhthang chia sẻ: "Mỗi khi đi siêu thị mua sữa tươi đóng hộp giấy, tôi đều thấy phần bọc nilon ngoài cùng che mất mã vạch dẫn đến máy quét tính tiền của siêu thị không quét được. Lần nào các nhân viên thu ngân cũng phải xé rách vỏ nilon ra mới quét được mã vạch khiến lốc sữa rất mất thẩm mỹ. Chuyện nhỏ thôi nhưng hầu như mọi sản phẩm sữa tươi đóng hộp giấy của tất cả các hãng ở ta đều gặp vấn đề tương tự và đã nhiều năm nay mà không thấy bên nào quan tâm thay đổi cách đóng bao bì hay vị trí in mã vạch để giải quyết".
Trong khi đó, độc giả Panvina lại gặp vấn đề với nhiều sản phẩm khác: "Tôi thấy hàng Việt Nam ít tư duy cải thiện nên cứ bảo sao người Việt không dùng hàng Việt. Có hãng sản xuất gia vị lớn, thấy xuất hiện thường xuyên trong siêu thị, nhưng cái hũ tiêu, ớt khi mở cái nắp bật lên là không đóng lại được luôn. Hay chai nước mắm không làm miệng chai độ dốc một chút nên khi rót ra là bị tuôn ào ào. Nhất là mấy chai tương ớt, tôi mới dùng hai lần là nó tắc lại, phải đập thình thịch mới chịu ra tiếp".
So sánh với các sản phẩm của nước ngoài, bạn đọc Khoa Arc đánh giá: "Hãy học người Nhật ở cách họ quan tâm đến từng chi tiết nhỏ của sản phẩm, kể cả cách bóc vỏ bao bì. Mỗi khi mở gói cháo ăn liền ở Việt Nam , tôi đều khó chịu vì túi nhỏ đựng gia vị rất khó xé. Rất nhiều sản phẩm khác tôi cũng phải loay hoay tìm cách bóc vỏ nilon bọc ngoài, thậm chí phải dùng dao, kéo mới bóc được. Từ một chi tiết rất nhỏ như vậy nhưng cũng khiến tâm trạng của người tiêu dùng kém vui với sản phẩm rồi".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.