Đọc nhiều bài viết phàn nàn về chất lượng các sản phẩm 'made in Vietnam' thời gian gần đây, tôi thấy nhiều người đang đánh đồng khi so đo giá cả giữa hàng Việt với các sản phẩm của Trung Quốc. Theo tôi, đó là một sai lầm. Điều đó có lẽ bắt nguồn từ việc nhiều người không hiểu chính xác lý thuyết về định nghĩa "giá cả".
Ở đây, phải hiểu rằng, hàng Trung Quốc bán ra với số lượng rất nhiều, nên chi phí sản xuất của họ cũng giảm đi khi số lượng sản phẩm gia tăng, dù họ chỉ muốn lợi thu 20% tiền lời. Nhưng cũng là thiết kế đó, nếu hàng sản xuất ở Việt Nam, số lượng bán được chỉ bằng 10%, thì giá cả hàng hóa chắc chắn phải gia tăng tương xứng. Đây là lý do hàng Trung Quốc trước giờ vẫn là bá chủ toàn cầu về giá rẻ.
Bản thân tôi là một kỹ sư đang sinh sống và làm việc nước ngoài. Chính tôi cũng từng đem hàng về Việt Nam gia công. Nói về chất lượng và giá cả, tôi không thấy khác nhau là mấy giữa sản phẩm sản xuất ở trong nước và nước ngoài. Thực tế, nhiều bạn đòi hỏi quá nhiều ở sản phẩm nhưng lại muốn giá cũng phải thật rẻ. Đó có phải đòi hỏi vô lý hay không?
Tôi lấy ví dụ như cái khoen trên hộp sữa, nhiều người coi đó là tiện nghi. Nhưng câu hỏi là bạn có sẵn sàng trả thêm tiền để được hưởng cái tiện nghi đó không? Ở Australia, siêu thị bán thức ăn có nhãn hiệu riêng của họ với giá rẻ để phục vụ khách hàng. Để giảm chi phí, các thiết kế lon và hộp ở đây cũng bị cắt đi những chi tiết tiện nghi so với những thương hiệu khác, nhưng chất lượng sản phẩm tương đương.
>> Thất vọng ổ cắm điện 'made in Vietnam' rẻ nhưng không bền
Thông thường, nhờ việc cắt giảm thiết kế đó mà giá bán sẽ giảm khoảng 50% so với các thương hiệu khác. Điều đó chứng minh rằng thiết kế bao bì chiếm khá nhiều chi phí sản xuất. Trở lại với câu chuyện về các sản phẩm "made in Vietnam", tôi tin rằng nhà sản xuất quyết định bỏ đi những tiện nghi trên bao bì, không phải vì họ không làm được mà quan trọng là để cắt giảm chi phí, nhằm tăng khả năng cạnh tranh về giá cả cho khách hàng.
Ý tôi muốn nói ở đây là xét về mặt kỹ thuật để sản xuất ra một sản phẩm, hàng Việt Nam không thua gì Trung Quốc. Cái tôi thấy là doanh nghiệp trong nước phải chịu thiệt thòi vì không có đủ tiềm lực kinh tế để đầu tư máy móc khi cần thiết. Một phần vì thị trường trong nước vẫn còn nhỏ, chưa phủ được 50% dân số, nên ai dám bỏ tiền ra để đầu tư sản xuất khi sản phẩm chưa được thị trường yêu chuộng?
Nói tóm lại, câu chuyện chính ở đây là chất lượng luôn đi đôi, tỷ lệ thuận với giá cả. Trung Quốc đầu tư máy móc vì họ có khả năng sử dụng tối đa năng suất hoạt động của máy móc (thị trường lớn). Khi số lượng sản phẩm gia tăng thì giá cả bán ra đương nhiên sẽ giảm xuống. Còn ở Việt Nam, đầu tư quá nhiều để phục vụ thị trường quá nhỏ, chắc chắn sẽ là một bài toán kinh doanh sai lầm.
Nói vậy để người tiêu dùng Việt Nam có cái nhìn khách quan hơn về chất lượng các sản phẩm trong nước, từ đó thêm lòng tin và sự ủng hộ với các doanh nghiệp nội địa. Chỉ có như vậy, chúng ta mới từng bước mở rộng được thị trường và giúp các nhà sản xuất Việt cạnh tranh sòng phẳng với hàng Trung Quốc.
- Mối nguy cho shop online Việt đằng sau chiếc gioăng cao su bồn cầu
- Đánh vật mở nắp lon đồ hộp 'made in Vietnam'
- Những sản phẩm 'made in Vietnam' thách thức độ kiên nhẫn của khách hàng
- Thất vọng từ nắp chai nước mắm đến gói gia vị 'made in Vietnam'
- Nỗi bực mình vì keo dán nhãn 'made in Vietnam' rửa mãi không sạch
- Những nút chai bất tiện 'Made in Vietnam'