Theo Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tân, Khoa Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, hội chứng Fournier hay nhiễm trùng hoại tử lan tỏa tầng sinh môn là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn hiếm gặp nhưng có khả năng đe dọa tính mạng, cần được can thiệp y tế khẩn cấp. Bệnh có xu hướng tiến triển nhanh chóng trên bộ phận sinh dục và các vùng lân cận (dương vật, đáy chậu...). Khi bệnh xảy ra, các mô sẽ bị phân hủy dẫn đến một số triệu chứng dễ nhận biết như xuất hiện cơn đau đột ngột vùng sinh dục; tình trạng nhiễm trùng tiến triển nhanh chóng, vùng da chuyển sang màu tím đỏ hoặc xám xanh; vùng da có mùi hôi khó chịu; sưng tấy; rò mủ; tim đập loạn nhịp; sốt cao; tinh hoàn bị lộ ra ngoài.
Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng nhiễm trùng có thể lan vào máu (nhiễm khuẩn huyết), dẫn đến suy đa tạng và tử vong. Ngoài ra, một số biến chứng thường xảy ra như suy thận cấp tính, hội chứng suy giảm hô hấp cấp tính, tắc động mạch, suy tim và rối loạn nhịp tim, rối loạn chức năng tình dục, tai biến mạch máu não, nhiễm trùng đường tiết niệu...
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, nhiễm trùng có thể lan xuống đùi, dạ dày, ngực. Từ đó, cơ, dây thần kinh và động mạch tại những khu vực này có nguy cơ cao bị phá hủy. Nhiều nghiên cứu kết luận rằng 3% người bệnh mắc Fournier có khả năng tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tân cho hay, bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ mắc hội chứng Fournier. Tuy nhiên, nam giới có khả năng mắc bệnh cao gấp 10 lần so với nữ giới, thường rơi vào độ tuổi từ 50 - 60. Một số ít trường hợp cũng xuất hiện ở phụ nữ và trẻ em.
Ngoài ra, nhóm người có nguy cơ cao bao gồm: bệnh nhân tiểu đường (khoảng 20 - 70%), lạm dụng rượu bia (khoảng 25 - 50%), rối loạn tim mạch, xơ gan, HIV, huyết áp cao, suy thận. Người béo phì, người hay hút thuốc, người đang dùng Steroid hoặc đang trong quá trình hóa trị, chấn thương, ức chế miễn dịch... cũng nên chủ động theo dõi sức khỏe, phòng ngừa bệnh.
Ngay khi nhận thấy những dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh nên khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa nam học để được chẩn đoán sớm. Bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe, kiểm tra da, triệu chứng... hoặc chỉ định thêm một số phương pháp chẩn đoán bao gồm: chụp cắt lớp vi tính, siêu âm, xét nghiệm máu, cấy máu khi có sốt và cấy mủ khi có rò mủ để làm kháng sinh đồ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tình trạng hoại tử đã tiến triển đến mức nguy hiểm, bác sĩ có thể sẽ thực hiện phẫu thuật ngay lập tức mà không cần tiến hành chẩn đoán.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị luôn được ưu tiên với hội chứng Fournier. Lúc này, các mô tổn thương hoại tử sẽ được tiến hành loại bỏ ra khỏi cơ thể để ngăn vi khuẩn lây lan. Một số trường hợp phải cắt bỏ toàn bộ dương vật nhưng rất hiếm. Ngoài ra, người bệnh cũng cần trải qua phẫu thuật tái tạo để định hình đáy chậu, dương vật... trở về hình dạng ban đầu như trước khi mắc Fournier.
Theo bác sĩ Tân, hội chứng Fournier là trường hợp khẩn cấp, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng bởi biến chứng vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, tình trạng này hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa ngay từ sớm. Một số phương pháp hữu ích trong phòng bệnh bao gồm: giữ gìn vệ sinh tốt; bảo vệ bộ phận sinh dục khỏi các chấn thương nguy hiểm, trầy xước...; chăm sóc tốt cho vết thương trên bộ phận sinh dục và các vùng lân cận (nếu có) để tránh sự xâm nhập của vi khuẩn; duy trì cân nặng ở mức hợp lý; ngưng hút thuốc. Đặc biệt, liên hệ ngay với bác sĩ nếu phát hiện thấy bộ phận sinh dục hoặc các khu vực xung quanh có dấu hiệu đỏ, sưng tấy.
Hoàng Trang