Sau hơn 20 năm công tác ở một trường đại học, tôi tin rằng điều quan trọng nhất mà sinh viên (đại học, cao đẳng) Việt Nam cần được giáo dục trong nghiên cứu khoa học là tính trung thực. Thực trạng hiện nay, giáo dục của ta vẫn chạy theo thành tích ở bậc phổ thông, khiến cho học sinh quen với việc học tủ, học vẹt, học lệch - những hình thức ban đầu của gian lận trong thi cử.
Lẽ ra, học sinh phải được thi tất cả những gì họ học được, và kỳ thi sẽ là đợt sát hạch để giúp các em lựa chọn những gì phù hợp nhất để mình tiếp tục học ở các nấc thang giáo dục, đào tạo tiếp theo. Vậy nhưng, chúng ta lại đang làm ngược khi dùng kết quả của các kỳ thi để lựa chọn và đánh giá học sinh, thậm chí đánh giá cả người làm nghề giáo, cơ sở giáo dục, mặc dù kết quả ấy do chính thầy cô và nhà trường đưa ra.
Từ thực tế đó, học sinh hầu như chỉ cần học những gì sẽ được thi để đạt chuẩn của cơ sở giáo dục, đạt điểm cao nhất có thể, chứ không phải là học những gì xã hội cần để đáp ứng tiêu chuẩn giáo dục.
Bước vào quá trình đào tạo (dạy nghề và đại học, cao đẳng), sinh viên tiếp tục lặp lại thói quen "học để thi" ở giai đoạn giáo dục phổ thông trước đó, và vô tình đẩy các cơ sở đào tạo đại học vào thế "cây muốn lặng mà gió chẳng đừng" - đào tạo theo nhu cầu xã hội thì khó cho người học, còn muốn tăng tốc đào tạo và nghiên cứu thì phải chấp nhận những "tì vết" của giáo dục phổ thông.
>> Lo ngại khi dùng tổ hợp Toán, Văn, Địa để xét tuyển đại học ngành Y
Hệ quả là, sinh viên của ta bước vào nghiên cứu khoa học với tâm thế và chuẩn mực chưa thật sự nghiêm túc. Cuối cùng, hệ lụy tất yếu là nhiều dự án trùng lặp cả ý tưởng, giải pháp, kết quả so với những nghiên cứu, sản phẩm đã công bố từ trước. Nhiều đề tài cao siêu có tình trạng thầy cô làm thay, nghiên cứu hộ, sinh viên chỉ việc... thuyết trình lại.
Nguyên lý thành công của một nền giáo dục tiến bộ phải là "thi để học". Quá trình thi cử là quá trình người học tự kiểm thảo, đánh giá lại năng lực của bản thân và đối chiếu với nhu cầu xã hội để tiếp tục học tập hiệu quả, thay đổi bản thân theo chiều hướng phát triển toàn diện nhân cách, phẩm chất và năng lực cá nhân đáp ứng được đòi hỏi của xã hội (nơi sử dụng sinh viên như nguồn lao động và làm những viên gạch xây dựng xã hội, qua đó kiểm chứng và công nhận chất lượng giáo dục và đào tạo), có như vậy thì mới có "học tập suốt đời" sau quá trình giáo dục, đào tạo.
Còn nếu chúng ta vẫn chỉ kiên trì "học để thi", Việt Nam sẽ tiệm tiến vào con đường "học giả, thất bại thật", "nghiên cứu khoa học không mang hơi thở cuộc sống".
- 'Học Toán, Lý, Hóa làng nhàng nhưng chọn ngành bán dẫn'
- Nên cho phép dạy thêm Tiếng Anh học sinh tiểu học?
- Con tôi phải giỏi Tiếng Anh bằng mọi giá
- 'Mắc kẹt trong cuộc đua tri thức nếu coi Tiếng Anh tùy chọn'
- Học sinh Việt chạy đua Tiếng Anh
- Nỗi lo bỏ dấu 'suy ra', 'tương đương' ngăn học sinh sáng tạo môn Toán