"Ngành Y là một ngành liên quan đến sức khỏe và mạng sống con người, thế nhưng giờ lại xét tuyển dựa vào những môn không liên quan thì liệu có đảm bảo chất lượng đào tạo? Lẽ ra ngành Y phải thi tuyển các môn Lý, Hóa, Sinh bởi ba môn này là nền tảng của nhiều vấn đề liên quan. Mà để học được ba môn này thì Toán cũng phải khá giỏi. Hóa, Sinh thì không cần nói vì đương nhiên liên quan trực tiếp tới kiến thức Y khoa. Còn môn Lý hiện nay cũng cực kỳ quan trọng bởi đó là nền tảng để sử dụng các máy móc trong khám chữa bệnh như chiếu xạ, chụp cộng hưởng từ, siêu âm...".
Đó là quan điểm của độc giả Thanh Y trước thông tin một số trường tuyển ngành Y khoa bằng tổ hợp "lạ". Theo quy chế tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm nay các trường không bị giới hạn tổ hợp xét tuyển vào một ngành như trước. Do đó, nột số trường tuyển ngành Y khoa không cần điểm cả môn Hóa và Sinh, ngành Sư phạm Vật lý nhưng không dùng điểm môn Lý. Ví dụ như thí sinh có thể đăng ký xét tuyển vào trường Trường Đại học Hòa Bình (Hà Nội) bằng ba môn Văn, Toán, Địa hoặc Toán, Văn, Anh. Nhiều chuyên gia lo ngại việc này gây khó khăn trong đào tạo, ảnh hưởng chất lượng nguồn nhân lực sau này.
Cùng chung băn khoăn về chất lượng đào tạo khi các trường tuyển sinh bằng tổ hợp "lạ", bạn đọc Cayngodong nhận định: "Kiểu tuyển sinh như vậy làm mất đi sự định hướng nghề nghiệp ban đầu của học sinh. Những môn đặc thù của ngành học như Sinh học cần bắt buộc phải có trong tổ hợp của Y, hay Vật lý cần bắt buộc phải có trong tổ hợp ngành Sư phạm Vật lý".
"Ngành Y chỉ nên tuyển sinh bằng tổ hợp Toán, Hóa, Sinh, cùng lắm là Toán, Lý, Hóa hay Toán, Hóa, Anh hoặc Toán, Sinh, Anh mà thôi. Chứ tuyển sinh đại trà kiểu này không ổn về chất lượng sinh viên sau khi ra trường. Y là ngành đặc thù, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người, nên không thể thả nổi". (Ngọc B)
>> 'Học Toán, Lý, Hóa làng nhàng nhưng chọn ngành bán dẫn'
Trong khi đó, một số ý kiến lại ủng hộ mở rộng tuyển sinh khi cho rằng cách xét tuyển như trên tạo điều kiện cho thí sinh theo đuổi ngành yêu thích, kể cả khi chưa có nền tảng về môn học. Độc giả Dinhcongthao bình luận: "Tổ hợp môn xét tuyển có thể không liên quan trực tiếp đến ngành đào tạo, nhưng các trường vẫn có những tiêu chí phụ đi kèm, yêu cầu riêng của chuyên ngành đó. Ví dụ thí sinh xét tuyển ngành Y sẽ có yêu cầu điểm trung bình môn của các môn học trong ba năm THPT phải trên 8. Theo tôi như vậy là đảm bảo chất lượng đầu vào".
Cùng chung suy nghĩ, bạn đọc Nguyen phân tích: "Tôi lại thấy việc chọn tổ hợp môn thi đầu vào không ảnh hưởng mấy tới chất lượng đầu ra. Quan trọng là chương trình đào tạo ở trường đại học và việc lượng giá như thế nào? Kèm theo đó là quá trình phấn đấu, nỗ lực học tập của từng sinh viên sẽ quyết định chất lượng đầu ra. Ví dụ như Thủ khoa Toán, Hóa, Sinh đầu vào nhưng trường đào tạo kém, lượng giá qua loa, bản thân người học lười nhác, thì ra trường cũng yếu kém mà thôi".
Việt Thành tổng hợp
- 'Học phí trường Y gần 100 triệu đồng không đắt'
- 'Không cần lo học sinh dở đỗ đại học top đầu nhờ xét tuyển học bạ'
- Hai con tôi đỗ đại học nhờ học bạ đẹp
- Em tôi học kém vẫn đỗ đại học nhờ xét tuyển học bạ
- Chưa tốt nghiệp cấp ba đã đỗ đại học nhờ 'học bạ đẹp'
- Sinh viên năm nhất 'sốc đại học' vì xét tuyển học bạ