"Ngày xưa tôi đi học, thầy cô dạy rằng: 'Toán học là ngôn ngữ của sự logic, của những quy tắc chặt chẽ, rõ ràng. Viết ra một bài toán cũng như dựng lên một lập luận, sự mạch lạc, ngắn gọn nhưng phải đủ ý'. Nếu một ký hiệu vốn đã quen thuộc, giúp học sinh tư duy tốt hơn, trình bày rõ ràng hơn, thì tại sao lại bỏ đi?
Đã học Toán, ai cũng biết hai ký hiệu 'suy ra' và 'tương đương' đâu chỉ là cách viết, mà còn thể hiện mối quan hệ giữa các bước biến đổi. Bỏ nó đi, bài giải vừa dài dòng, vừa khó theo dõi. Học sinh dùng ký hiệu này không có nghĩa là học trước kiến thức mới, mà chỉ là cách viết gọn hơn những gì đã học. Học Toán là để hiểu bản chất, không phải rập khuôn hình thức.
Còn chuyện trừ điểm để răn đe thì tôi thấy không ổn vì nó có giúp học sinh giỏi lên không? Hay chỉ tạo ra sự máy móc trong tư duy? Kiến thức cốt lõi vẫn là quan trọng nhất. Học sinh hiểu bài, làm đúng, tư duy hợp lý thì đáng lẽ phải được công nhận. Nếu có sự thay đổi trong cách trình bày, hãy để các em có thời gian thích nghi, chứ đừng lấy điểm số ra làm đòn bẩy. Giáo dục phải khuyến khích logic, sáng tạo, không phải biến học sinh thành cái máy chép bài".
Đó là thắc mắc của độc giả Phạm Phương Nam xung quanh câu chuyện bỏ dấu 'suy ra', 'tương đương' trong môn Toán lớp 9 đang gây nhiều tranh luận trái chiều. Cụ thể, ở chương trình cũ, dấu tương đương xuất hiện và được định nghĩa trong bài về phương trình tương đương, ở lớp 8. Trong chương trình mới, bài này được đưa vào lớp 10. Vì vậy về bản chất, học sinh THCS không được học về dấu tương đương, nên không sử dụng. Dấu suy ra cũng không được đề cập trong chương trình. Học sinh được học về các mệnh đề kéo theo ở lớp 10.
>> Học sinh lớp 9 ở Canada than khó với bài Toán lớp 7 Việt Nam
Cũng có những trăn trở về sự thay đổi có thể gây khó cho cả học sinh và giáo viên, bạn đọc Tiến sĩ Gàn nêu ý kiến: "Vì chương trình THCS không còn đưa vào những khái niệm tập con, hai tập hợp bằng nhau, tập rỗng, nên dấu suy ra, tương đương không phù hợp với kiến thức được giảng dạy. Nghe qua điều đó có vẻ hợp lý, tương tự phép tính '3-5' là sai ở cấp tiểu học vậy. Tuy nhiên, về mặt logic, ngữ nghĩa, việc sử dụng dấu suy ra, tương đương hay việc viết ra thành chữ thực tế hoàn toàn giống nhau, tức là chỉ khác nhau cách biểu đạt.
Ở đây chúng ta ép học sinh phải biểu đạt một cách khác, nhưng giá trị nội hàm của vấn đề, cách thức tư duy vẫn không thay đổi. Vậy, việc quy định kia thể hiện sự xung đột với tư duy: chúng ta thể hiện là không chấp nhận nhưng thực ra vẫn ngầm chấp nhận với nhau cách tư duy đó, kiểu như tôi không nói thế nhưng thực ra tôi vẫn nghĩ thế.
Giả sử, việc loại bỏ dấu suy ra này kéo theo việc diễn giải bài giảng theo một lối giải, một cách tư duy khác thì mới hợp lý. Lại lấy một ví dụ, bài toán 'vừa gà vừa chó', học sinh cấp hai giải theo đặt ẩn x, y, lập phương trình, nhưng học sinh cấp một chưa được dạy lập phương trình, thì chúng phải dùng cách diễn giải khác cho phù hợp, kéo theo sự khác biệt trong logic. Đằng này tư duy logic vẫn vậy, cách biểu đạt vẫn vậy, chỉ là thay ký hiệu bằng chữ. Vậy nó có giá trị gì? Hay chúng ta đang tự dối mình?".
Tháng 7/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học, nêu rõ: Thực hiện đánh giá học sinh THCS và THPT theo quy định, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình. Chương trình không có yêu cầu cần đạt nào về phương trình tương đương nên học sinh không được sử dụng khi làm bài. Hiện, nhiều nơi đã áp dụng quy định này và trừ điểm học sinh dùng dấu tương đương và suy ra.
- Lầm tưởng 'học giỏi Toán là làm được IT'
- Lãng phí nếu học Toán với tư duy 'chỉ cần biết cộng, trừ, nhân, chia'
- 'Học bạ 9 phẩy nhưng thi Toán không nổi 7 điểm'
- 'Học sinh Việt phải học quá nhiều công thức Toán'
- Học giỏi Toán nhưng lương 'ba cọc ba đồng'
- Bài toán tích phân, đạo hàm của cô bán rau