Có một thực tế là trong khi nhiều nước phát triển trên thế giới như Nga, Mỹ, Australia thiên về dạy Toán ứng dụng cho học sinh thì ở Việt Nam, chương trình giảng dạy môn Toán vẫn nặng về lý thuyết hàn lâm. Bản thân tôi cũng từng bốn lần đi thi Học sinh giỏi Toán cấp tỉnh trong suốt những năm lớp 11, 12 (trong đó có ba lần đoạt giải). Để có được thành tích đó, tôi phải học Toán nâng cao rất nhiều, học ngày học đêm, liên tục nhiều ngày. Thậm chí, có những hôm tôi thức dậy vào lúc ba giờ sáng để ôn bài, đến hơn 22h30 mới đi ngủ.
Thế nhưng, dù học hành vất vả là vậy, đến khi ra trường, bước ra ngoài xã hội, bắt đầu lao vào làm việc kiếm tiền mưu sinh, tôi mới nhận ra những danh hiệu trong quá khứ cũng chỉ là hư danh. Tôi không đi đúng chuyên ngành mà mình học nên vẫn chưa có được chút thành công nào trong sự nghiệp. Những kiến thức Toán cao cấp mà tôi từng nằm lòng giờ chẳng có thứ gì áp dụng được vào thực tế công việc và cuộc sống.
Nhiều lúc, tôi nghĩ rằng, nếu khi xưa tôi bớt học Toán lại và dành thời gian nhiều hơn cho việc học ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm, kỹ năng lãnh đạo... thì tốt biết mấy. Có lẽ, cuộc sống của tôi bây giờ đã khá hơn rất nhiều rồi. Tôi nhận ra kiến thức Toán học ở ta ứng dụng vào cuộc sống cực kỳ ít ỏi, những thứ đó hầu như chỉ dành cho những người đam mê nghiên cứu chuyên ngành, còn khả năng kiếm tiền từ việc học Toán gần như chẳng đáng kể khi lương chỉ "ba cọc ba đồng".
>> Xem thường kiến thức tích phân, đạo hàm
Trong khi đó, có nhiều bạn học của tôi theo chuyên ngành Tiếng Anh, đến khi ra trường đều có cơ hội làm việc rất tốt tại các Tập đoàn quốc tế, thu thập cũng ở mức khá từ 30-70 triệu đồng một tháng. Vì vậy, học Toán nhưng phải là Toán ứng dụng, có thể áp dụng vào thực tế vào cuộc sống hằng ngày mới có giá trị. Chứ học Toán lý thuyết không như ở ta bấy lâu nay cuối cùng cũng chẳng làm được tích sự gì.
Ở nước ngoài, cụ thể là Australia, thời gian học lý thuyết Toán của học sinh cực kỳ ít. Thay vào đó, họ tập trung vào thực hành, ứng dụng kiến thức Toán rất nhiều. Ngay cả những trường quốc tế tại Việt Nam cũng áp dụng phương pháp học này. Các học sinh ở đây được thực hành gần như cả ngày, lý thuyết chỉ học rất nhanh, rất ít. Khi học viên thích nghề gì, đam mê gì, thì giáo viên luôn ủng hộ, chia sẻ, động viên, khai sáng cho học viên đó có thể thực hiện hoài bão, ước mơ của mình. Họ đào tạo theo đúng chuyên ngành, đúng đam mê, sở thích của từng học viên. Hỏi vậy sao mà các em ra trường không giỏi được cơ chứ?
Trong khi đó, nhìn sang các trường công lập trong nước, chúng ta vẫn chỉ tập trung đào tạo lý thuyết là chủ yếu, phần thực hành hầu như chẳng có gì. Thế nên mới dẫn tới một thực tế rất trớ trêu là học sinh Việt đi thi các cuộc thi Toán quốc tế luôn đạt giải cao, nhưng sau này ra đời làm việc lại không mấy người thành công hay đạt được thành tựu gì đáng kể.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.