Tranh luận quanh câu chuyện "Tư tưởng không cần Đại học khiến nhiều người luẩn quẩn với cái nghèo", nhiều độc giả VnExpress bày tỏ quan điểm cho rằng học vấn không phải con đường nhanh nhất đến với thành công:
Tôi là một người hiểu rất rõ việc học gạo. Bản thân tôi từ bé đã học hành có tiếng và luôn là trò giỏi của trường, thậm chí của tỉnh. Sau bao năm đèn sách với tấm bằng thạc sĩ ở nước ngoài, thứ duy nhất đến nay tôi còn nhớ là các phép toán cộng, trừ, nhân, chia. Từng đạt giải trong kỳ thi Quốc gia môn Hóa nhưng đến nay tôi gần như quên sạch, cũng từng tham dự kỳ thi Olympic Toán học nhưng đến nay tôi cũng gần như chẳng nhớ gì sau gần 20 năm lao vào thương trường.
Thứ tôi thấy có ý nghĩa duy nhất cho gần 20 năm đèn sách đó là tư duy logic, đến nay nó là chìa khóa thành công của tôi trên thương trường. Nhưng tôi nghĩ lại, nếu chỉ cần tư duy logic đó thì ta hoàn toàn không cần mất đến 20 năm đèn sách, lãng phí quá nhiều. Học lên cao không phải là chìa khóa thành công, học lên cao chỉ thỏa mãn cái ngu muội trong tư duy mà thôi. Đừng phí tuổi thanh xuân đẹp nhất trên ghế nhà trường, mất nhiều hơn được. Bạn hãy tìm cho mình một nghề yêu thích và chuyên tâm với nghề đó, thành công ắt sẽ hơn mấy anh chị cứ nhất quyết vào đại học.
Cái nghề luôn đi trước cái nghiệp, không có nghề ổn định và chuyên sâu thì không bao giờ có nghiệp ổn định và lâu dài. Tôi có thể không học đại học nhưng ít ra tôi xác định tôi sẽ ngâm cuộc đời mình trong lĩnh vực gì: ôtô, máy móc, công nghiệp, thực phẩm, y tế...
Sau khi đã xác định mình muốn làm trong lĩnh vực gì, hãy xác định nghề mình làm như thợ sửa chữa, kinh doanh phụ kiện, lắp ráp... từ đó xác định cho mình sẽ theo học cái gì để có đủ điều kiện làm trong nghề này? Ví dụ anh có thể học Trung cấp cơ khí ôtô, Cao đẳng kỹ thuật... và trong quá trình học tập, bạn có thể phải đi làm những ngành nghề không liên quan, nhằm có tiền để trang trải chi phí ăn học, đồng thời cũng nâng cao kiến thức ngoại ngữ...
Còn việc học đại học hay không học đại học với những người đã có mục tiêu và đã xác định được cho mình cái nghề, cái nghiệp thì thực sự không còn quan trọng nữa.
Học là tốt, so với việc được đi học và bỏ học giữa chừng thì các em bỏ học có thể sẽ hạn chế hơn về nhận thức so với phần còn lại. Và việc học trong lúc mọi thứ xã hội hóa thì nên sáng suốt lựa chọn trường đại học, bởi thượng vàng hạ cám đều có.
Việc học là tốt, nhưng không nên thần tượng hóa nó như con đường duy nhất thoát nghèo. Nhận thức con người là việc học tập từ nhiều nguồn chứ không phải duy nhất từ việc học. Tôi nói vậy không có nghĩa là xem thường việc học nhưng không có cơ sở nào để đảm bảo người thạc sĩ, tiến sĩ nhận thức tốt hơn người chỉ hoàn thành chương trình 12.
Học cũng là một con đường để có công việc tốt, nhưng nghỉ học cũng là một con đường khác đi tới thành công. Có thể hiểu rằng, họ bỏ học trường lớp nhưng vẫn hăng say học hỏi ngoài đời. Bạn tôi 24 tuổi, chưa học hết lớp 9, tự học, tìm tòi lĩnh vực công nghệ thông tin, giờ tài khoản của cậu đã hơn 10 tỷ đồng chưa tính cái nhà lầu vừa cất xong.
Còn tôi theo học đại học, rồi ra làm giáo viên trường công, lương tháng 4 triệu đồng, xin nghỉ rồi qua trường tư cũng không quá 8 triệu/ tháng và tôi đã quyết tâm làm lại từ đầu. Giờ thu nhập của tôi đã là 15 triệu đồng/ tháng.
Không tự hào, nhưng lớp 7 tôi đã ý thức được việc kiếm tiền, tốt hơn việc phải bỏ mười mấy năm ăn học, tốn tiền của cha mẹ. Trong lúc bạn bè đi học, tôi đi làm đủ thứ việc từ hạ cấp đến cao cấp. Trong lúc bạn bè ra trường và chuẩn bị kiếm những đồng tiền đầu tiên sau nhiều năm đèn sách, tôi đã có nhà và gia đình.
Trong lúc bạn tôi ổn định và có dư, tôi đã có cơ sở sản xuất với đôi ngũ nhân viên 20 người. Và đến khi bạn tôi bị đuổi việc, tôi đã nhận về làm việc cho mình, và cũng từ đó bạn tôi phải bỏ hết tất cả chuyên môn, công sức đèn sách, để đi theo công việc mới nhằm mưu sinh.
Tuy nhiên, số khác lại cho rằng, học vấn không chỉ đem lại cho con người tiền bạc, mà còn là địa vị, sự nể trong của xã hội:
Có những người buôn bán (người xưa gọi là con buôn) vẫn làm giàu được. Họ vẫn sống tốt nhưng cuộc đời họ chỉ có thế, không thể nào với tới cuộc sống của giới trí thức toàn diện.
Tiền kiếm được lại dùng vào những việc cũng không được gọi là hay cho lắm. Còn với một người trí thức khá giả (giới trí thức đủ giỏi để có mức thu nhập cao so với xã hội), ngoài tiền, họ còn có cuộc sống khác hẳn, sự nể trọng của xã hội, được tiếp xúc, bồi dưỡng và khám phá tri thức mới, được tiếp xúc với giới trí thức toàn cầu, cuộc sống hàng ngày giải quyết nhiều thứ có giá trị. Cũng là sống cả, nhưng chọn cách sống thế nào là lựa chọn của mỗi người.
Học đại học hay cao học là cái nền, cái móng xây dựng lên một con người hoàn thiện về sau này. Học cao giống như bệ phóng tên lửa giúp bạn đi nhanh hơn, đến đích nhanh hơn, học ít giống như bạn đang cưỡi một con lừa để đến đích. Học cao chưa chắc đã giàu, học ít chưa hẳn đã nghèo có thể đều đúng, nhưng chắc chắn rằng nếu như bạn được học cao đến thạc sĩ kinh tế thì bây giờ đã rất giàu, có thể gấp nhiều lần hiện tại.
Học cao sẽ giúp nhận thức đầy đủ hơn, logic hơn, khoa học hơn về một vấn đề và từ đó đưa ra những quyết sách nhanh hơn, đúng đắn hơn, chớp lấy thời cơ nhanh chóng hơn. Còn học ít sẽ không có kiến thức mà phải tự mò mẫm, tìm tòi, khám phá, rút kinh nghiệm mất rất nhiều thời gian mà đáng ra là những thứ đó nếu được học hành tử tế đã có hết trong sách vở. Không có học chắc con người vẫn "ăn lông ở lỗ", thế giới được như ngày nay đều do học mà có. Hãy ủng hộ, trân trọng việc học.
Kỹ sư, thạc sĩ, bác sĩ có thể không giàu bằng những người tiểu thương, nhưng họ có chỗ đứng trong xã hội, có vị trí cao trong cơ quan, tổ chức... Không phải tự nhiên ai cũng muốn lấy vợ, chồng có công việc ổn định, con bạn sau này đi học tự hào vì có bố mẹ là những người có địa vị trong xã hội, có kiến thức để dạy con... Những cái đó người có tiền mà không có học muốn cũng không làm được, vậy nên tôi vẫn ủng hộ cho con đi học trong bất kể hoàn cảnh nào.
Chưa chắc những người bỏ học mà bây giờ thành công đã có tư tưởng bỏ học làm tỷ phú, bỏ học làm ông chủ, vì bỏ học mà kiếm tiền chẳng bao giờ là một lựa chọn tốt cả.
Những người dám bỏ học mà kiếm tiền, một là họ không có khả năng học nữa, hai là hoàn cảnh quá túng thiếu, ba là cực kỳ giỏi nên có nhiều cơ hội tốt hơn việc bỏ thời gian ra học. Rơi vào ba trường hợp trên, bạn hãy nghĩ đến bỏ học, chứ còn trẻ còn khả năng thì hãy cứ học. Sợ thiếu kỹ năng sống, sợ thiếu kinh nghiệm làm việc hay thua kém bạn bè, người này, người nọ và bạn nghĩ bạn bỏ học ra kiếm tiền thì có thể hơn họ sao? Đó là một tư tưởng sai lầm.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.