Tôi rất quan tâm việc nghệ sĩ Hoài Linh giữ hơn 13,7 tỷ đồng từ thiện trong sáu tháng mà chưa trao cho người dân bị lũ lụt. Một lần nữa người ta phải đặt dấu hỏi về tính minh bạch, tính hiệu quả của hình thức vận động từ thiện nhân danh các nghệ sĩ, người nổi tiếng.
Phải khẳng định rằng, việc mượn danh tiếng của các nghệ sĩ lớn để kêu gọi từ thiện vô cùng hiệu quả. Sức lan tỏa của họ trong cộng đồng người hâm mộ cả nước rất lớn. Người ta không còn xa lạ với hình ảnh những ca sĩ, diễn viên, người mẫu vận động được hàng chục tỷ đồng trong một thời gian rất ngắn với mục đích từ thiện.
Nhưng cách người nổi tiếng sử dụng tiền quyên góp được sau đó mới là thứ khiến người ta phải hoài nghi, tranh cãi. Chúng ta hẳn còn nhớ hình ảnh một nữ ca sĩ đi thuyền vào tận tâm lũ, cầm sấp tiền lớn rồi phát cho mỗi người dân một vài tờ thời gian trước. Khi ấy, người ta đã tự hỏi rằng liệu phát tiền giữa mùa lũ có phải việc làm cần thiết? Người dân đang bị cô lập giữa biển nước lũ, họ cầm tiền rồi làm gì?
Khi không có danh sách chính xác trong tay, nghệ sĩ và những người nổi tiếng liệu có đảm bảo 100% số tiền mình phát ra đến được đúng hoàn cảnh cần giúp đỡ, liệu có bỏ sót ai không?
Câu chuyện rắc rối của Hoài Linh khiến người ta một lần nữa phải đặt dấu hỏi rằng các nghệ sĩ đã dùng tiền từ thiện vào những việc gì? Việc giữ tiền từ thiện trong suốt sáu tháng, dù vì lý do chính đáng nhưng vẫn thật khó để có thể thông cảm. Đó là còn chưa kể mang danh ủng hộ đồng bào vùng lũ, nhưng lũ qua cả nửa năm rồi vẫn chẳng thấy tiền đâu, vậy có đúng với mục đích và ý nghĩa ban đầu?
>> Chuyên nghiệp hóa từ thiện để ngăn chặn trục lợi
Thực ra, chuyện nghệ sĩ tham gia các hoạt động từ thiện là một hành động đẹp, ý nghĩa, thể hiện sự sẻ chia và trách nhiệm với cộng đồng, rất đáng được hoan nghênh. Tuy nhiên, việc nghệ sĩ tham gia các hoạt động thiện nguyện hiện nay chủ yếu là theo kiểu tự phát, thiếu kế hoạch, chuẩn bị, tổ chức. Thế nên mới có chuyện nghệ sĩ xắn quần vào vùng lũ hay đi thuyền lòng vòng để tìm được bóng người và ném đồ từ thiện.
Bản thân tôi không cho rằng các nghệ sĩ tư lợi gì ở việc làm từ thiện này. Thứ nhất, ở vị trí và độ nổi tiếng của họ, tiền không thiếu. Họ chẳng đến mức phải đi ăn chặn tiền từ thiện làm gì. Chưa kể, đánh đổi danh tiếng gây dựng mấy chục năm để đổi lấy chút tiền từ thiện, như Hoài Linh chia sẻ "liệu có đáng không?". Ở đây, tôi cho rằng, vấn đề của các nghệ sĩ là hành động quá tùy hứng, thiếu sự chuẩn bị, thiếu chuyên nghiệp, và thiếu cẩn trọng. Đôi khi, nghệ sĩ huy động từ thiện vì sự nhạy cảm mà quên đi mất những yếu tố khác rất cần thiết: Tính minh bạch và một kế hoạch chuyên nghiệp.
Cá nhân tôi có thể hiểu cho những lời bộc bạch của Hoài Linh. Thời gian qua với nghệ sĩ này rõ ràng quá nhiều biến cố. Từ việc lo hậu sự cho người bạn thân Chí Tài, tiếp đó là sự ra đi đột ngột của người dì ruột, rồi dịch bệnh bùng phát... Những biến cố chắc hẳn sẽ khiến Hoài Linh suy sụp và phân tâm. Tất nhiên, ai cũng có cuộc sống riêng và biến cố thường đến bất ngờ, không báo trước. Thế nên chuyện lãng đi hoạt động từ thiện (vốn phải dành nhiều tâm sức) chắc hẳn là khó tránh.
Nhưng theo góc nhìn của một công chúng từng quyên tiền cho Hoài Linh để làm từ thiện, rõ ràng, mọi lý do được đưa ra dù hợp về tình nhưng rất khó chấp nhận về lý. Có rất nhiều bất cập trong hoạt động từ thiện tự phát của các nghệ sĩ suốt thời gian qua. Việc huy động nguồn lực đóng góp từ xã hội là điểm sáng khi có những cá nhân nghệ sĩ quyên góp được cả chục tỷ, trăm tỷ. Nhưng việc tổ chức và điều phối các nguồn lực cứu trợ lại rất dở, thậm chí còn gây phản cảm, làm xói mòn lòng tin của công chúng. Tất cả xuất phát từ sự thiếu chuyên nghiệp.
Hiện nay, khán giả chủ yếu quyên góp tiền theo niềm tin với nghệ sĩ, không có một thỏa thuận nào về việc sử dụng đồng tiền ủng hộ. Trong khi nghệ sĩ cũng chỉ biết nhận mà không tính toán rõ ràng phương án điều phối chi tiết nguồn tiền như thế nào cho hợp lý nhất. Sự thiếu chuyên nghiệp từ cả hai phía khiến câu chuyện nghệ sĩ làm từ thiện vẫn luôn bị đặt trong thế chênh vênh, bất ổn, gây tổn hại đến hình ảnh của cá nhân nghệ sĩ đó và xói mòn niềm tin nơi người hâm mộ.
Hoạt động từ thiện tự phát từ trước đến nay vốn bị thả nổi theo kiểu mạnh ai nấy làm, mà không hề có quy chế, kiểm soát từ các cơ quan chức năng. Tôi cho rằng, đã đến lúc cần tính đến những giải pháp căn cơ và dài hạn cần được bàn tới để chuyên nghiệp hóa hoạt động từ thiện. Muốn vậy, cần quy định các nghệ sĩ làm từ thiện phải gắn với một tổ chức chuyên nghiệp, được cấp phép hoạt động. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần một hệ thống văn bản pháp luật để bảo vệ quyền lợi của người đóng góp và giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức từ thiện do nghệ sĩ lập ra hoặc hớp tác.
Chỉ có chuyên nghiệp hóa hoạt động từ thiện, chúng ta mới không tạo thêm những điều tiếng không hay liên quan đến nghệ sĩ. Niềm tin phải đóng vai trò trung tâm trong công tác thiện nguyện. Muốn bảo vệ hình ảnh nghệ sĩ và niềm tin nơi người hâm mộ, đã đến lúc pháp lý phải vào cuộc. Bằng không sẽ lại có hàng chục tỷ, trăm tỷ quyên góp khác nằm yên trong tài khoản ngân hàng của nghệ sĩ nào đó mà chẳng ai hay.
Duy Nhất
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.