Ngày 8/9, bác sĩ Phạm Xuân Long, khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu - Thận học - Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết thể tích tinh hoàn của bệnh nhân còn khoảng 8 ml, trong khi trung bình là 12-25 ml. Tinh trùng yếu, số lượng bằng 1/10 bình thường, tỷ lệ di động dưới 10%.
Anh Phong cho biết tập thể hình 4 năm qua, tiêm "roid" giúp tăng cơ bắp nhanh chóng. "Roid" là cách gọi tắt của steroid, một chất tổng hợp có các đặc tính tương tự hormone sinh dục nam testosterone, còn gọi là testosterone ngoại sinh.
Ban đầu, anh tiêm mỗi tuần một mũi. Sau vài tháng tiêm liên tục, kết hợp tập thể lực, anh đạt được hình thể cao to, cơ bắp vạm vỡ. Gần đây, anh giảm liều, khoảng 2-4 tuần tiêm một mũi.
Bác sĩ chẩn đoán anh bị suy giảm khả năng sinh sản, teo tinh hoàn do sử dụng testosterone thời gian dài.
Testosterone được tinh hoàn tiết ra (testosterone nội sinh), đạt đỉnh cao trong giai đoạn dậy thì, giảm dần sau 40 tuổi. Theo bác sĩ Long, người có sức khỏe bình thường không nên tự tiêm hormone với mục đích tăng cơ bắp hay cải thiện ham muốn tình dục.
Lạm dụng testosterone ngoại sinh dẫn đến hormone sinh dục nam tăng đột ngột. Điều này khiến não và tuyến yên tưởng cơ thể đã sản xuất đủ hormone nên ngừng tổng hợp testosterone tự nhiên trong cơ thể. Lâu ngày, cơ thể mất hoàn toàn khả năng tự sản xuất testosterone dẫn đến rối loạn tâm lý (phấn khích, hung hăng, buồn bã) và rối loạn chức năng sinh lý.
Testosterone ngoại sinh còn ức chế hormone LH và FSH tiết ra từ tuyến yên, làm tinh hoàn giảm hoặc không còn sản xuất tinh trùng nên teo dần, ảnh hưởng khả năng sinh sản.
Bác sĩ Long chỉ định anh Phong dừng tiêm testosterone, thay đổi lối sống để cải thiện tình trạng sinh lý, chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, không uống rượu bia, hút thuốc, duy trì tập thể dục.
Sau 4 tháng theo dõi, lượng tinh trùng của anh tăng gấp 5 lần. Tình trạng teo tinh hoàn của bệnh nhân cần thêm thời gian để tự hồi phục, tăng khả năng đậu thai tự nhiên. Nếu chất lượng tinh trùng vẫn yếu, bệnh nhân phải thụ tinh nhân tạo để có con.
Ngoài ảnh hưởng sinh lý, sử dụng testosterone ngoại sinh có thể làm tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc tử vong, theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Cơ quan này yêu cầu tất cả sản phẩm này phải ghi thông tin này trên nhãn để người tiêu dùng nắm rõ.
Ngoài ra, testosterone ngoại sinh tan trong mỡ nên phải tiêm bắp. Nhiều nam giới tự tiêm mà không biết liều lượng, cách tiêm, vị trí tiêm... gây nguy hiểm. Nếu tiêm vào mạch máu có nguy cơ gây thuyên tắc mạch, ảnh hưởng tính mạng. Người bệnh có chỉ định tiêm bổ sung testosterone cần thực hiện tại các cơ sở y tế. Trước tiêm, người bệnh phải xét nghiệm nội tiết định kỳ, theo dõi và duy trì nồng độ testosterone phù hợp.
Theo bác sĩ Xuân Long, hiện chỉ có người bệnh suy tuyến yên, dậy thì trễ hoặc bị "bất lực" do thiếu nội tiết tố sinh dục, người chuyển giới từ nữ sang nam hoặc khắc phục những hạn chế về cơ bắp đối với cơ thể nam giới... được bác sĩ chỉ định điều trị mới được tiêm testosterone.
Bác sĩ khuyến cáo nam giới không tự bổ sung testosterone bằng bất kỳ cách nào. Người có các dấu hiệu sức khỏe sinh sản bất thường như giảm ham muốn, teo tinh hoàn, rối loạn cương... cần đến các cơ sở y tế có khoa nam học, hiếm muộn khám. Nam giới có thể tăng cường hormone tự nhiên bằng cách tập thể thao thường xuyên, giữ tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc, bổ sung vitamin D, B, kẽm, thực phẩm giàu protein, chất béo lành mạnh và tinh bột.
Tùy theo nguyên nhân và diễn tiến bệnh của từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp, khả năng đáp ứng điều trị khác nhau. Một số trường hợp lạm dụng testosterone quá lâu, có thể gây teo tinh hoàn nghiêm trọng, mất khả năng sinh sản.
Anh Thư