Muốn có làn đường dành riêng cho xe đạp ở Hà Nội, trước hết phải dẹp bỏ vấn nạn lấn chiếm vỉa hè (lấn chiếm để bày bán hàng hay lấn chiếm để giữ xe máy). Chứ bây giờ, đến chỗ cho người đi bộ an toàn còn không còn nữa thì lo gì đến xe đạp?
Người đi bộ không có chỗ để đi thì có cố gắng thế nào cũng sẽ không phát triển được giao thông công cộng để giảm ùn tắc, vì hiện nay đi bộ từ bến về nhà hay điểm cần đi vô cùng bất tiện.
>> Vỉa hè 'biến mất' ở khu nhà cao cấp
Vậy theo tôi nên quy định các quán ăn hay cửa hàng mặt phố chuyển chỗ để xe máy vào bên trong cửa hàng, chỗ kinh doanh thì chuyển lên tầng trên nếu không còn chỗ để lùi vào bên trong, không làm nổi thì đóng cửa, thuê chỗ khác.
Hiện tại đã có nhiều quán và cửa hàng làm tầng hầm lửng để để xe máy của khách rồi. Với thu nhập trung bình hiện thời của người dân, cũng như hạ tầng giao thông trong nội đô và giao thông công cộng, thì xe máy vẫn đang là giải pháp giao thông tốt nhất cho người sống ở Hà Nội.
Muốn cải thiện thì giải pháp không phải là thêm ôtô cá nhân, mà là giảm xe cá nhân tăng cường giao thông công cộng. Để giúp giao thông công cộng thuận tiện hơn thì phải lấy lại vỉa hè cho người đi bộ như tôi viết ở trên.
Còn nếu cấm phương tiện thì trước hết nên cấm ôtô cá nhân (không cấm taxi, truyền thống hay công nghệ) trong nội đô trước khi cấm xe máy, vì ôtô tốn chỗ trên đường nhiều hơn nhiều so với lượng người vận chuyển được (tôi viết điều này với tư cách là một người hiện chỉ đi ôtô và không có bằng xe máy).
>> 'Muốn có 1,5m vỉa hè đi bộ, TP HCM phải xây nhiều bãi gửi xe máy, ôtô'
Ở các nước phát triển, các cửa hàng mặt phố ngày càng lụi tàn, càng ngày càng ít người vào mua nên họ dần đóng cửa hết. Ngoại lệ chỉ có các nhà hàng ăn uống thật ngon (không ngon cũng chẳng ai vào), và các cửa hàng ở các khu phố dành riêng cho người đi bộ.
Về việc mua sắm, người ta đã chuyển sang các siêu thị và trung tâm thương mại từ hàng chục năm trước. Ngay cả các trung tâm thương mại ở các nước phát triển cũng không còn ở thời kỳ huy hoàng nữa, với xu thế mua sắm online. Thế nên dần dần tôi nghĩ ngay cả ở Việt Nam các cửa hàng mặt phố cũng dần mất đi mà thôi, lúc đó thì vỉa hè sẽ trả lại cho người đi bộ và xe đạp.
José
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.