Việc lấn chiếm vỉa hè không còn quá xa lạ với người dân, nhất là cư dân ở các khu dân cư hiện hữu. Tôi đã nghĩ rằng: có thể do quy hoạch đô thị quá chật chội khiến cho con người ta phải lấn ra chút ít để dễ thở hơn.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu cuộc sống trong một nội khu cao cấp, tôi vỡ lẽ ra rằng: Vỉa hè với người Việt hoàn toàn không mang giá trị bộ hành, dù ở đâu.
Mô hình chung của việc lấn chiếm vỉa hè là đặt chướng ngại vật từ ranh giới đất nối dài tuyến tính đâm thẳng ra mặt đường. Chướng ngại vật có thể là bất cứ thứ gì từ chậu hoa cây cảnh, ghế đá cho đến biển quảng cáo...
Một số nhà thậm chí còn phá vỡ cái vỉa hè hiện hữu, nâng nền, trồng cây lâu năm, cơ bản đã biến cái vỉa hè trước nhà thành vườn riêng của nhà họ. Lý do của việc này thì nhiều vô kể: để mưu sinh, để tạo không gian xanh trước nhà, để ngồi hóng gió... Nhà nào có văn hóa không lấn chiếm đi chăng nữa, thì khả năng cao cũng sẽ bị hàng chậu cây cảnh của hai nhà hai bên vây lại.
Còn từ phía cơ quan chức năng, các biện pháp chỉnh đốn mỹ quan đô thị cũng chủ yếu chỉ dừng ở bước tuyên truyền, vận động. Và thế là, chúng ta thầm chấp nhận sự biến mất của vỉa hè. Người đi bộ thì bắt buộc phải xuống lòng đường cùng xe máy, ôtô. Còn những ngôi nhà trên con đường đó dù có xây kỳ công đến đâu thì mặt tiền cũng trở nên nhếch nhác.
>> Nhà hát nghìn tỷ và vỉa hè xấu hổ
Bản thân tôi không chấp nhận thực trạng này. Tôi không muốn nhìn thấy các con tôi cùng bố mẹ tôi phải đi bộ dưới lòng đường. Tôi cũng không muốn nhà tôi bị nhà hàng xóm vây khốn lấy cái vỉa hè mà đáng lý ra phải là của tất cả chúng ta.
Thế nên, với ngân sách hơn 8 tỷ đồng, tôi đi tìm các căn nhà liền kề trong các khu đô thị khép kín (compound) để làm nơi an cư mới cho gia đình mình. Việc tìm kiếm các compound cũng nhằm một mục đích khác nữa, đó chính là nhắm đến cái đẹp của mỹ quan đô thị.
Từng có thời gian sống ở châu Âu, tôi nhận ra rằng vẻ đẹp của xứ họ xuất phát phần lớn từ sự đồng bộ của cơ sở hạ tầng: vỉa hè của họ thông thoáng và đồng cấp xuyên suốt cả thành phố. Một bên vỉa hè sát đường trồng cây xanh phủ bóng, còn bên kia là những ngôi nhà với kiến trúc có khuôn mẫu xuyên suốt.
Tại những thành phố châu Âu ấy, như bạn tôi từng nói: "Chỉ cần giơ máy ảnh lên là có bức ảnh đẹp". Cái đẹp ấy không chỉ nhất thời làm hài lòng con mắt, mà trong dài hạn còn có lợi cho sự phát triển của cá nhân, và nhất là trẻ nhỏ, do môi trường xung quanh đều quy củ, rõ ràng và có nề nếp.
Tôi đã hy vọng, và tìm thấy bóng dáng của các thành phố châu Âu trong quy hoạch của một số khu đô thị hiện nay. Những khu đô thị trong tầm tiền của tôi có bảo vệ 24/7, có hệ thống tiện ích cùng công viên nội khu, có quy hoạch vỉa vè với hàng cây xanh tăm tắp.
>> 'Muốn có 1,5m vỉa hè đi bộ, TP HCM phải xây nhiều bãi gửi xe máy, ôtô'
Vườn tược, công viên cùng đường sá đều có đội ngũ cô chú lao công chăm sóc mỗi ngày. Mỗi nhà trong ấy đều lùi trước ba mét làm sân vườn, lại có lùi sau làm sân sau, và đều xây theo các khuôn mẫu hiện đại, thanh lịch và thống nhất.
Trên quy hoạch thật sự đẹp. Tầm tiền này thì dân cư phần lớn đều là các hộ gia đình trí thức trình độ cao và có văn hóa. Vì là nhà phố trong khu đô thị biệt lập nên cũng chẳng có hộ nào có ý định kinh doanh.
Tôi đã nghĩ thế này là quá tốt rồi, mỗi ngày bố mẹ cùng con cháu đều có thể thoải mái sải bước dạo chơi trong một môi trường sống chất lượng và an bình.
Thế nhưng, tôi đã lầm. Lên quy hoạch thì đẹp, nhưng khi ở thì khác. Tôi thấy những chiếc ôtô lao lên đỗ thẳng trên vỉa hè cản lối người đi bộ, dù cho lề đường vẫn còn thông thoáng.
Nhưng đó chưa phải là điều tệ nhất: Một hai chậu cây nhỏ bắt đầu xuất hiện trên vỉa hè, rồi đến các chậu cây lớn ghép vào chỗ chúng, rồi đến cái ghế đá từ đâu chui ra kê theo mép tim tường đâm thẳng ra lòng đường.
Ban đầu, chỉ là một hộ gia đình lấn hè, rồi hai hộ nữa lấn, rồi ba hộ và rồi từ lúc nào, đoạn vỉa hè của cả dãy nhà phố đã hoàn toàn biến mất. Đoạn vỉa hè đã bị bức tử bởi những đống vật thể hổ lốn gồm mấy cái chậu cây cảnh xếp sát nhau không theo quy hoạch nào.
Mỹ quan và chất lượng sống của khu đô thị vì thế giảm hẳn, và hình ảnh của một khu dân cư hiện hữu nhếch nhác với vỉa hè bị lấn chiếm dần dần quay trở lại.
Tại sao những đoạn vỉa hè ở các khu dân cư hiện hữu bị biến mất thì tôi có thể lý giải. Nhưng tại sao những đoạn vỉa hè trong các khu đô thị cao cấp ấy cũng biến mất thì nằm ngoài tư duy lý luận của tôi.
Dưới lòng đường và garage trong nhà đều có chỗ đậu xe, vậy tại sao lại để xe lên hè phố? Ngay trước nhà là hồ nước, công viên và cây xanh đẹp đẽ, vậy tại sao lại cần đặt thêm mấy cái chậu cây tạp nham?
>> 'Giao vỉa hè cho nhà mặt tiền sử dụng là sẽ hết lấn chiếm'
Ngay trước nhà có hàng ghế gỗ thanh lịch cùng công viên sạch sẽ có trẻ con nô nức chơi đùa, vậy tại sao cần đặt thêm hàng ghế đá?
Ngay trước nhà đã có sân vườn riêng, vậy tại sao lại cần chiếm cái vỉa hè để tạo ra một không gian đệm khác? Dân trí đã cao như vậy, vậy tại sao mà cái vỉa hè cũng vẫn chết?
Có lẽ, điều duy nhất có thể lý giải được hiện tượng này: đó là nhiều người Việt không hiểu đúng về vỉa hè. Trong tâm thức của nhiều người, vỉa hè không phải là lối đi bộ, nó cũng không phải là đường cho xe chạy, mà là một vùng xám có thể mở rộng của cái nhà. Bởi thế chủ nhà tận dụng được bao nhiêu thì cứ tận dụng, lấn được bao nhiêu thì cứ lấn.
Do đó, cái mảnh không gian trước nhà mặc nhiên sẽ luôn bị chia cắt theo những đường tuyến tính từ ranh đất đâm thẳng ra mặt đường. Dù cho có bao nhiêu tiền đi chăng nữa, có mua nhà chất lượng ra sao thì cái nhà ấy sớm hay muộn cũng sẽ không còn cái vỉa hè thẳng tắp trước nhà.
Nếu quả thật là như thế, thì thật sự đáng buồn. Vỉa hè của người Việt hẳn đi sau cái vỉa hè của châu Âu một đoạn thời gian dài.
Huy Hùng
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bàitại đây.