Có một lần, tôi ngồi nghe một người đàn ông Mỹ đã lớn tuổi kể về lần sang một nước châu Phi làm việc. Khi đó ông làm việc cho một công ty khai thác dầu mỏ và đã đựơc gọi về nước do tình hình ở quốc gia châu Phi bất ổn.
Trên máy bay ngó ra, ông thấy cảnh mấy người tranh nhau một cái máy điều hòa. Hai người giật được, cùng nhau khiêng máy chạy thì bị mấy người khác xông vào đánh rồi giật đi, rồi mấy người khác nữa lại xông vào đánh nhóm người đó, lại giật máy chạy đi... Mọi thứ cứ thế tiếp diễn cho tới khi họ khuất tầm nhìn của ông người Mỹ.
Người đàn ông ấy vừa kể câu chuyện vừa cười, những người nghe cũng cười theo. Tôi, ngược lại, không thấy có cái gì đáng cười cả, bởi câu chuyện đó khiến tôi động lòng.
Giải quyết vấn đề bằng bạo lực để giành lấy quyền lợi về phần mình là một dấu hiệu bất ổn. Cho dù người khác có sai đi chăng nữa nhưng dùng bạo lực để "giải quyết" chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề, và thường thì sẽ kết thúc theo cùng một kịch bản: hai bên đều chịu thiệt.
Bạo lực với bác sĩ trong phòng cấp cứu là một vấn đề tiêu biểu. Với một ông bố bóp cổ bác sĩ trong khi con gái đang ngồi chờ được nội soi gắp xương cá thì người bố phải lên đồn công an làm việc, bác sĩ nghỉ làm ở nhà suy nghĩ xem mình có nên tiếp tục làm nghề y nữa không. Hai phe bệnh nhân và nhân viên y tế xông vào nhau, chửi bới om sòm. Ai cũng nhất định cho là mình đúng, còn trên thực tế thì cả hai đều có cái sai.
Cả bác sĩ bị đánh và bố bệnh nhi đều chịu thiệt. Còn vụ "cháy nổ" lây lan là cuộc tranh luận về thái độ làm việc và bạo lực y tế thì cả hai bên vẫn còn hăng máu. Nhưng tôi cho rằng, sau cuộc tranh luận nảy lửa này, mọi việc có thể vẫn tiếp diễn, càng trầm trọng hơn.
Bệnh nhân càng quyết tâm chạy lên tuyến trên vì cho rằng bác sĩ tỉnh trình độ yếu kém. Tuyến trên càng quá tải, bác sĩ càng cáu, bệnh nhân càng bị quát, và bác sĩ càng bị đánh. Bác sĩ sẽ càng chán ghét và sợ hãi bệnh nhân có ý kiến, nhân viên y tế thì đã và đang tháo chạy, bỏ việc bỏ nghề. Vậy là bệnh viện lại càng quá tải...
Bạo lực liên quan tới chỗ đậu xe cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Tạt sơn xe, kẻ vạch đường cho riêng mình, ghi bảng cấm đậu xe trong khi cái lề đường chả phải của mình, chất gạch lên xe đổ trước nhà, đập kính, và mốt mới nhất là đóng đinh lên vỉa hè trước nhà... đều là các hành vi bạo lực nghiêm trọng.
Nhận thức về cái gì là bạo lực của nhiều người Việt thật sự rất kém. Người ta cho rằng, chỉ khi nào có tác động vật lý vào cơ thể con người với chấn thương nghiêm trọng thì mới gọi là bạo lực. Chứ còn những hành vi phá hoại cỡ như phá xe, tạt sơn xe, rải đinh, đặt bẫy trên đường thì không phải, ít nhất là cho tới khi họ là nạn nhân.
Cũng như hành vi đánh bác sĩ, việc tấn công xe hơi và rải đinh đặt bẫy cũng chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề. Ai ai cũng biết là mâu thuẫn giữa người đậu xe và các bác chủ nhà chỉ có tăng thêm chứ không có giảm đi, và các hình thức bạo lực chỉ tăng thêm lên những mức độ cao siêu khó tửơng.
Kèm theo đó là những nhân vật máu lạnh, sẵn sàng tuyên bố là đóng đinh trên vỉa hè là "giành lại vỉa hè", chứ nếu xe hơi đậu lên đó thì có vỉa hè cho người đi bộ đâu. Có lẽ để cho mấy người này tỉnh ngộ thì cần bắt họ đi trên một cái vỉa hè đầy đinh vào đêm tối, thì họ mới hiểu được.
Vậy thì nên làm gì? Mỗi người nên suy nghĩ trước khi hành động thì hơn. Ai cũng nên tìm hiểu xem khi mình bệnh thì nên đi đâu khám, có kế hoạch là lúc cấp cứu thì mình nên đi đâu. Ai có khả năng thì nên đi viện tư để đỡ quá tải cho viện công, ai ở tuyến dưới thì nên đi tham khảo trước khi nhảy vọt lên tuyến trên. Khi vào viện thì hãy bớt đòi hỏi. Nhân viên y tế bớt bị quát thì họ cũng sẽ bớt quát lại, chứ có đánh họ thì cũng chả được việc gì. Việc đánh đập nhân viên y tế và mấy lời mỉa mai "không có lửa thì sao có khói" đã mang tới hậu quả nhãn tiền, khi nhân viên y tế tháo chạy.
Đối với việc đậu xe thì khi nào bị đỗ chắn cửa thì có thể gọi công an tới. Còn cái chỗ đậu xe ngay kế bên nhà mình mà mình vẫn đậu mà có kẻ nào đậu ở đó thì ráng chịu, tại vì cái chỗ đó không phải của mình. Việc mỗi người cho rằng cái khoảng đường trước nhà là của riêng chính là nguyên nhân gây ra việc một người ra đường là không có chỗ đậu xe đấy. Ai cũng giữ rịt lấy phần mình, bảo sao không có chỗ đậu.
>> Những chủ nhà 'công phu' lắp cọc cấm đỗ xe dưới lòng đường
Việc những người trưởng thành cho rằng bạo lực là chấp nhận được đã khiến cho nhiều vấn đề đã trầm trọng lại càng tệ hại. Người ta lại quay sang hỏi là vì sao các em học sinh đánh nhau?
Khi cha mẹ "yêu thương" con cái bằng bạo lực với bác sĩ, khi con cái "yêu thương" cha mẹ bằng cách quát tháo y tá, chửi bới bảo vệ bệnh viện, gợi ý bồi dưỡng y tá rồi còn khoe khoang khắp nơi, thì đừng hỏi sao bạo lực lại lan vào học đường.
Tôi cũng đã từng trải qua một vài cảnh có thể khiến một người Việt dùng tới bạo lực hay ít nhất là la hét om sòm. Tôi đã tới phòng cấp cứu với mẹ già đau tim và được chụp X quang "cho có", rồi được ngồi đợi mốc meo. Tôi cũng đã bị xe đỗ chắn đường ra, không lái xe được vào buổi sáng.
Trường hợp thứ nhất, tôi im lặng vì có gào cũng chả được gì, bác sĩ bận quá. Trường hợp thứ hai thì tôi gọi cảnh sát. Tôi không có đánh ai, cũng không kêu gào inh ỏi. Làm như vậy chỉ mệt thân mà động tay chân thì lại vào tù, mệt lắm.
Khanh Huỳnh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.