"Tác giả bài viết tính không sai với điều kiện không bị ảnh hưởng từ những đợt dịch Covid-19 vừa qua. Tôi cũng làm tương tự như tác giả nhưng không lường trước được việc này.
Tôi cũng vay để xây phòng trọ và cho thuê, dự tính doanh thu 100 triệu đồng một tháng nhưng chưa được nửa năm thì dịch Covid xảy ra nên doanh thu có lúc chưa tới 15 triệu đồng.
Đoán được tình hình trước đó nên tôi đã nhanh chân vay thêm ngân hàng một tỷ đồng dành để phòng bị. Sau hai năm với những đợt giãn cách chống dịch thì số tiền một tỷ đồng đó vừa hết đúng vào tháng 2/2022. Nếu áp dụng phong tỏa chỉ thêm tháng 3 là tôi thành con nợ xấu ngay và nếu tăng thời gian phong tỏa thì bị ngân hàng siết nhà là không tránh khỏi.
>> Lời 9 tỷ nhờ bán chung cư Hà Nội, mua nhà đất Sài Gòn
Giờ đây tôi cũng đang tính toán làm như tác giả lại nhưng nhát tay rồi. Còn nếu làm thì nên làm quanh quận 3 (TP HCM) tuy có thể không lời hơn so với khu khác nhưng nó bảo đảm đầy phòng nhanh hơn và khách ở dài hạn hơn do địa thế của nó phù hợp dân văn phòng".
Sau bài viết Thuê căn nhà 'nát' để có 22 phòng trọ, độc giả có nickname Lang thang Sài Gòn chia sẻ như trên về câu chuyện kinh doanh gặp rất nhiều rủi ro, nhất là hai năm khó khăn liên tiếp do dịch Covid-19 vừa qua.
May mắn hơn, độc giả Tran Anh Toan chia sẻ đã "thoát được hai năm dịch Covid-19" sau khi tìm hiểu và tính toán lại phương án thuê nhà để làm phòng trọ:
"Năm 2017 vợ tôi nhen nhóm ý định đi thuê nhà để cho thuê lại. Sau một thời gian tìm hiểu, vợ chồng tôi thấy kế hoạch kinh doanh này không khả quan. Nhà họ xây mới, mình phải đầu tư trang thiết bị, nội thất cho mỗi phòng khoảng 15 triệu đồng. Tỷ lệ lấp đầy phải là 90% mới có lãi.
Cũng may là không tham gia đầu tư nên chúng tôi thoát mấy năm đại dịch. Chỗ tôi ở có người thuê lại căn nhà nghỉ 12 phòng, có hai người nam thanh niên quản lý. Họ than thu nhập chỉ bằng nửa công việc lao động chân tay.
Trước họ là đôi vợ chồng quản lý, sau hơn một năm bám trụ, hai nam thanh niên bỏ cuộc giao lại cho cặp vợ chồng khác. Lắt lay qua mùa dịch, vừa rồi chủ nhà đã bán sau gần hai năm rao trên sàn.
Việc đầu tư xây nhà trọ trên đất thuê là canh bạc lớn nhất. Tác giả Lê Quốc Kiên đã may mắn gặp được chủ đất là người có tiền, nguy cơ bị trả đất trước hạn sẽ là cơn ác mộng.
>> Mua chung cư để thoải mái đầu óc kiếm tiền
Tôi biết một khu trọ ở Bình Tân. Họ thuê nhà kho cũ đang bị cầm cố ngân hàng, đầu tư mức tối thiểu là chia phòng bên dưới, giữ nguyên mái tôn nhà kho cũ bên trên. Mái chồng mái nên khó sửa chữa, mưa là bị dột. Chủ thuê lại không dám đầu tư lớn hơn, người thuê trọ phải chấp nhận ở vì giá có rẻ hơn chút.
Chỉ những người có đất tự xây dựng kinh doanh nhà trọ mới có lãi. Những người thuê đất đầu tư nhà trọ hay thuê lại, thu nhập chỉ đủ công quản lý mà chịu quá nhiều rủi ro".
Mặt khác, độc giả Giang nguyen có một mảnh đất gần khu công nghiệp, nhưng đã chọn gửi tiền vào tài khoản tiết kiệm ở ngân hàng vì bốn lý do:
Nhà tôi có mảnh đất gần khu công nghiệp, nhưng khi tính đi tính lại để xây nhà trọ so với tiền để trong ngân hàng thì tôi nhận ra gửi tiết kiệm là chuẩn nhất, bởi nếu xây nhà trọ theo mô hình như tác giả nói ở trên rất rất khó thực hiện vì:
1. Nhà chủ không ai muốn cho thuê 15 năm vì có nhiều trường hợp bị chiếm đất, kiện cáo, hoặc họ có kế hoạch khác... nên họ chỉ muốn cho thuê vài năm một xem người thuê như thế nào, và nếu thấy bạn làm ăn được họ sẽ tăng giá thuê.
2. Khu vực xung quanh nếu thấy mô hình bạn làm ăn được họ sẽ làm theo và họ rẻ hơn thì bạn mất khách.
>> Sáu lý do khiến ở chung cư 'sướng' hơn nhà đất
3. Bạn ở gần còn khó kiểm soát, quản ly huống hồ bạn ở xa... Nhiều trường hợp khách đến thuê họ ở một, hai tháng rồi xin nợ, khất tiền thuê, thậm chí bùng tiền khá nhiều.
4.Nhà trọ sau 5 đến 10 năm xây dựng thường xuống cấp khá nhiều như ẩm mốc, bong tróc ..lại mất thêm chi phí sửa sang lại mới có người thuê.
>> Bạn có kinh nghiệm gì về kinh doanh, cho thuê phòng trọ? Gửi chia sẻ tại đây. Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
Hữu Nghị tổng hợp