Đọc bài viết "Không hối hận vì hai năm cho con khổ luyện thi vào lớp 10", tôi thấy nhiều bình luận phản đối quan điểm dạy con của tác giả DĐ khi để con đi học thêm nhiều, thức khuya học bài... Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, việc để con khổ luyện thế này chẳng sao cả, nếu bản thân các em thấy mình đủ sức và cho rằng như vậy là bình thường. Tất cả tùy thuộc vào tính cách và cơ địa mỗi người.
Tôi cũng là một người từng tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học. Nhóm bạn thân của tôi khi đó có năm người. Trong đó, có một anh từng là Á khoa đầu vào của trường năm đó với 29 điểm (năm 1992). Không phải vất vả khổ luyện như nhiều người tưởng tượng, thực ra anh học ít, thậm chí rất ít. Nhưng bù, nhờ tố chất cực kỳ thông minh và trí nhớ tuyệt vời, viết chữ lại rất nhanh và đẹp nên anh học bằng mấy lần người bình thường.
Để các bạn dễ hình dung thì đề thi môn Vật lý năm đó anh làm hết hơn năm tờ giấy thi (môn này ngày ấy vẫn thi tự luận và khá nặng về lý thuyết). Đây có lẽ là điều mà mấy học sinh bình thường như chúng tôi chẳng bao giờ có thể làm nổi.
Vào đại học, bốn đứa chúng tôi thường lên giảng đường sớm để giữ chỗ cho anh vì anh luôn ngủ dậy trễ, và lúc nào cũng phải ăn sáng đầy đủ, đàng hoàng, rồi mới vào lớp. Hồi mới vào đại học, anh chưa biết một từ tiếng Anh nào, vì trước đó anh học tiếng Nga. Thế mà sang năm hai, anh đã có thể chuyển ngữ để ghi bài một cách mượt mà như không.
>> Những phụ huynh muốn con chơi nhiều, bớt học
Sau này, một học trò của tôi học trường chuyên cũng có tư chất rất thông minh. Em đã học giỏi lại còn cực kỳ siêng năng. Sau đó, gia đình em có mời tôi tới dạy thêm tại nhà, thực ra là do em tự đề nghị được học. Em học tôi liên tục từ 12h trưa đến 1h30 chiều (tranh thủ giờ nghỉ trưa ở trường). Vừa học, em vừa xúc vội tô cơm bên cạnh.
Những ngày gần thi, có những hôm 2h sáng tôi vẫn thấy em nhắn tin hỏi bài. Thấy thương và quý trọng tinh thâm ham học của em nên tôi đành thức cùng tới khi em hoàn toàn bài vở. Năm đó, em thi đạt kết quả rất cao vào một trường đại học nổi tiếng của Việt Nam. Sau đó, em tiếp tục con đường học vấn của mình bằng việc đi du học ở Mỹ.
Tôi kể ra hai trường hợp ở trên như vậy để thấy rằng, tùy vào khả năng, tố chất, thể trạng, sức khỏe mà mỗi người lại có một cách học khác nhau. Và mỗi em học sinh cũng sẽ có một mục tiêu phấn đấu riêng của mỗi người. Thế nên, rất khó có thể nói cách học này tốt hơn hay dở hơn cách kia nếu bạn không đặt mình vào vị trí của người khác.
Học nhiều hay ít là tùy vào khả năng tiếp nhận của mỗi người. Biết được giới hạn của mình tới đâu để điều chỉnh lượng học cho vừa đủ mới là yếu tố quyết định đến thành công của một học sinh. Hy vọng các bậc cha mẹ sẽ có định hướng đúng đắn cho con mình để không gây áp lực quá lớn đến chúng nhưng cũng không để tài năng của con bị thui chột chỉ vì những nỗi sợ vô hình.
- Cú sốc 'duy nhất con mình chưa biết chữ khi vào lớp 1'
- Tôi bằng lòng dù con 'mù chữ' khi vào lớp 1
- Tôi không cho con học mầm non làm bài tập về nhà
- 'Chán học vì những năm tháng thỏa mãn kỳ vọng của cha mẹ'
- Tôi sẵn sàng gây áp lực để con không bằng lòng với việc học kém
- Nỗi sợ vô hình khi không cho con học thêm