Con tôi vừa tham dự kỳ thi vào lớp 10 với hy vọng sẽ có một suất ở trường công lập tốt của TP HCM. Để chuẩn bị tốt nhất cho con, ngay từ đầu năm lớp 8, tôi đã phải chở con đi học thêm ở một trung tâm uy tín cách nhà 12 km với hy vọng con có thể học tốt để đạt được nguyện vọng.
Tất nhiên, nếu muốn con không phải vất vả thì tôi hoàn toàn có thể cho con học ở gần nhà, nhưng chất lượng kém hơn, và điều đó cũng có thể khiến con không vào được trường tốt như mong muốn. Mọi thứ đều có giá của nó và tôi nghĩ mình buộc phải chấp nhận.
Mặc dù chưa phải là học sinh quá xuất sắc, nhưng điểm thi học kỳ hai năm lớp 9 những môn chính của con tôi vẫn thuộc dạng cao nhất lớp. Tôi cũng không ép con phải học ngày học đêm, chỉ yêu cầu con nỗ lực hết khả năng. Khi đã làm hết mình thì kết quả của con ra sao tôi cũng chấp nhận. Tôi luôn nói với con rằng "nỗ lực không phải lúc nào cũng thành công, nhưng ít nhất dù có thất bại thì con cũng không phải hối hận vì lúc trước mình đã không cố gắng hết sức".
Thực tế, đến gần kỳ thi tuyển sinh lớp 10, con tôi có những hôm thức khuya học đến 2-3 giờ sáng dù không ai ép. Thấy con học nhiều quá, nhiều hôm tôi phải khuyên con "chỉ nên thức học bài đến 12 giờ đêm thôi". Những có lẽ vì ý thức được bản thân phải nỗ lực hết sức để đạt được nguyện vọng của mình nên con tôi vẫn không muốn lãng phí một phút nào.
Nhiều cha mẹ có suy nghĩ rất lạ: lúc con đi học thì muốn học nhẹ, nhưng lúc đi làm lại muốn công việc nhẹ, lương cao. Tôi luôn tin rằng, cái gì cũng muốn dễ dàng thì gian khó để cho ai?
>> Những phụ huynh muốn con chơi nhiều, bớt học
Thời gian đầu, con tôi rất hay than "học mệt quá, áp lực quá". Những lúc như vậy, tôi động viên con rằng: "Bây giờ con chỉ có mỗi việc học mà đã than mệt, thì sau này ra đời, đi làm, áp lực còn nhiều hơn gấp bội từ công việc, gia đình, cuộc sống, lúc đó làm sao con chịu đựng và vượt qua được? Học mà không vất vả thì ai cũng học được, ai cũng là bác sĩ, giáo viên, luật sư, chẳng có ai làm công nhân cả". Từ đó về sau, con tôi không động một tí là than mệt nữa.
Nhiều cha mẹ bây giờ cứ muốn con học nhẹ, chơi nhiều, mọi cái có cha mẹ lo hết, nên thế hệ trẻ bây giờ ra đi làm gặp một chút áp lực đã không chịu nổi, phải đi "chữa lành". Với tôi, cuộc đời không lúc nào là dễ dàng, chỉ người chịu được áp lực mới thành công, nên tôi muốn con phải chịu dần áp lực từ giờ để quen với cuộc sống sau này.
Tất nhiên, tôi hiểu không chỉ đầu tư kiến thức là đủ, mà tôi con giáo dục con những kỹ năng sống. Kiến thức học ở trường cũng chỉ là một phần để sau này đi làm. Người thành công trong cuộc sống cần có nhiều yếu tố khác. Người học giỏi chưa chắc đã thành công mà họ cần nhiều kỹ năng khác trong cuộc sống.
Hành trình hai năm qua đến nay đã trả lại cho con tôi những thành quả đầu tiên. Theo đáp án được công bố thì con tôi đạt khoảng 23 điểm trong kỳ thi vào lớp 10 vừa rồi. Số điểm này thực ra không bất ngờ với tôi bởi suốt quãng thời gian thi thử trước đó, điểm số của con tôi luôn dao động trong khoảng 22.5 đến 24 điểm. Đó chính là cơ sở để tôi và con tự tin, chứ không hề kỳ vọng quá đáng đến mức áp lực.
Tóm lại, tôi hy vọng các vị phụ huynh sẽ có suy nghĩ đúng đắn về câu chuyện áp lực học tập của con em mình. "Áp lực sẽ tạo nên kim cương" nếu bạn có thái độ đúng mực và biết đâu là điểm dừng.
- 'Ép con phải đạt 8.0 IELTS trong hai năm dù tiếng Anh bập bẹ'
- Tôi bằng lòng dù con 'mù chữ' khi vào lớp 1
- Cú sốc 'duy nhất con mình chưa biết chữ khi vào lớp 1'
- Tôi không cho con học mầm non làm bài tập về nhà
- 'Chán học vì những năm tháng thỏa mãn kỳ vọng của cha mẹ'
- Tôi sẵn sàng gây áp lực để con không bằng lòng với việc học kém