Tôi có một cô bạn có nhà và công ty nằm trên trục đường của tuyến tàu Cát Linh - Hà Đông. Dù tàu đã khai trương từ lâu nhưng số lần đi làm bằng tàu điện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Xe máy là "đôi chân" đi lại, vì thế: buổi sáng ê a ngủ nướng rồi mới dậy, thong thả makeup, bon chen trong cảnh kẹt xe.
Tôi hỏi vì sao không đi tàu điện, vừa mát mẻ, sạch sẽ lại tránh được kẹt xe? Cô ấy trả lời: Đi xe máy chủ động hơn, buổi chiều sau giờ tan làm có thể la cà đi hàng quán ăn uống, đi lượn phố shopping, muốn qua nhà bạn chơi cũng tiện.
Một năm tôi ra Hà Nội chơi vài lần. Ở Sài Gòn cũng có kẹt xe nhưng dường như không nghiêm trọng bằng ở Hà Nội và tôi phát hoảng vì điều này. Nhưng bài than vãn về sự khó chịu của kẹt xe, lãng phí thời gian hầu như đều xuất hiện bởi những tác giả ở Hà Nội: Ác mộng đi làm 4 km mất 45 phút ở Hà Nội, Đi làm 10 km mất tiếng rưỡi...
Thống kê của Sở Giao thông Vận tải, đến tháng 7/2022 Hà Nội gần 6,5 triệu xe máy. Xin lưu ý: Con số này chưa bao gồm phương tiện của các tỉnh khác lưu thông trên thành phố.
Nếu tính theo con số 6,5 triệu xe máy, nếu chỉ 20 phần trăm trong số này hằng ngày mất một giờ đồng hồ trên đường đi làm và về nhà, mỗi giờ lương bình quân 30 nghìn đồng thì xã hội lãng phí khoảng 39 tỷ đồng một ngày.
Mới đây, Hà Nội lại tính cấm xe máy. Theo đó, UBND TP Hà Nội vừa giao các đơn vị liên quan ưu tiên thực hiện đề án cấm xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030. UBND TP Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt đề án "Phát triển kinh tế đô thị TP Hà Nội" từ năm 2025, tầm nhìn 2030.
Thật sốt ruột với đề án cấm xe máy ở Hà Nội vì tuổi đời của nó đã hơn chục năm nhưng mãi chưa trưởng thành. Đề án này đã được bàn đi bạc lại, các mốc thời gian cũng lùi dần. Bây giờ đã là giữa tháng 6/2023 - chỉ còn 6,5 năm nữa để chuẩn bị, liệu Hà Nội có thể cấm được xe máy?
Theo tôi hoàn toàn được, nếu có đủ quyết tâm và sự thực hiện mạnh mẽ, Hà Nội có thể cấm được xe máy ở trung tâm thành phố.
Với mấy chục năm phát triển, có thể nói xe máy là một phần tập quán của người dân, rất khó bỏ ngay nhưng nếu mạnh dạn thay đổi thì đây là "lùi một bước để tiến ba bước". Người dân "lùi" sự tiện lợi của mình thì cả thành phố "tiến" lên ba bước: Giảm ùn tắc giao thông, cải thiện chất lượng không khí, tăng không gian công cộng.
Để thành công trong việc cấm xe máy, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và triển khai các giải pháp thay thế thích hợp. Phần này tôi xin nhường cho các nhà quy hoạch. Nhưng chính nhận thức của mọi người mới là đầu đề đảm bảo cho đề án này thành công.
Quang Luân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.