Buổi sáng, trời mưa rả rích. Phố xá giờ cao điểm ken đặc người. Trên đường tới cơ quan, tôi dừng trước đèn đỏ ở ngã tư thứ nhất. Còn năm giây nữa mới tới đèn xanh, bỗng phía sau có tiếng còi xe mấy gấp gáp liên tiếp "píp, píp, píp..." theo kiểu còi mà mấy cậu "trẻ trâu" bây giờ hay lắp.
Một chiếc xe máy chở theo ba cậu choai choai lách đám đông lao lên, vượt đèn đỏ. Dòng đường bên kia, một chị phụ nữ đi xe máy điện cũng cố nhấn ga để vượt giây cuối của đèn vàng. "Ầm"! Hai xe lao vào nhau, bốn người văng ra đường. Tất cả ầm ĩ, dòng xe rối loạn, còi xe, gào thét, tắc lại.
Tôi để vội xe bên lề đường rồi chạy lại cùng vài người đỡ người bị nạn lên vỉa hè. May mắn không ai bị thương nghiêm trọng.
Tôi đi tiếp. Đường thì đã phân làn với biển bảo rất rõ làn cho xe buýt BRT, làn xe ôtô, xe máy... nhưng chỉ có phần lớn ôtô không đi vào làn BRT do sợ bị camera phạt nguội còn người đi xe máy thì lao hết cả vào làn này.
Các xe buýt bấm còi chán chê cũng nản, đành rùa bò theo làn xe máy đang chiếm làn. Mấy bác ôtô nối đuôi nhau chán cũng lại tạt sang làn trong cùng, bám sát vỉa hè đi nhưng chỉ được một chút là cũng lại kẹt lại. Thế là chẹt cứng luôn phần lách nhỏ nhoi có thể di chuyển của xe máy đi đúng đường. Nhớn nhác, cáu kỉnh, làu bàu, mệt mỏi, tất cả mất hơn 20 phút để lục tục kéo nhau đi được vài trăm mét tới ngã tư tiếp theo.
Lại đèn đỏ, tôi dừng phía sau làn xe đầu tiên sát đèn đỏ. Phía trước là mấy chị phụ nữ ra dáng công chức đi xe máy, đỗ xe rất đúng vạch và kiên nhẫn chờ. Một cậu mặc quần áo lái xe công nghệ còi liên tục. Một chị sốt ruột quay lại: "Chờ đi cậu, tôi có bay được đâu". Cậu kia sẵng giọng: "Đỗ lên trên vạch đi". Chị kia tức giận: "Tôi đang đỗ đúng luật, tôi nhường cho cậu tôi lại thành người phạm luật à?". Cậu kia cũng gân cổ: "M.K, có dịch ra để tao đi không thì bảo?".
Chị công chức sợ quá, vội vượt xe lên vạch. Cậu kia vọt đi kèm theo câu chửi thề, lách lượn mãi cũng không vượt qua được dòng người đi theo đèn xanh. Chị kia chán nản nhìn theo kèm theo cái lắc đầu ngán ngẩm.
Dòng người ken đặc nhích từng mét để lại đến một ngã tư. Đèn đỏ, năm người nước ngoài lớn bé có ở phía dòng đường khác, chắc đi du lịch theo nhóm gia đình, cẩn thận xem rõ đèn đi bộ là đèn xanh chưa rồi ngó trước ngó sau rồi mới dám lò dò từng bước đi theo vạch kẻ đường đi bộ qua ngã tư.
Tôi nhìn thấy trên gương mặt họ đầy vẻ căng thẳng. Còn chừng hai mét nữa là tới bên kia đường và chiều dừng xe vẫn đang đèn đỏ còn nhiều giây, bỗng một chiếc xe máy lách làn người lao xẹt qua trước mặt họ.
Người đàn ông nước ngoài hét toáng lên và vội vàng giật tay người phụ nữ phía trước kéo giật về phía sau. Họ ôm ngực sợ hãi và cứ "Oh, my God!" (ôi Chúa ơi!) liên tục. Họ ném về phía kẻ vừa chạy xe qua cái nhìn giận dữ và sau đó quay sang nhìn sang phía những người đang đỗ xe chờ đèn sang cái nhìn đầy nghi ngại một lúc rồi tất cả mới hoàn hồn, lắc đầu bước tiếp lên vỉa hè.
Là người Việt Nam, là người đang tham gia giao thông có mặt lúc đó, và cũng là người trong đám đông nhìn thấy, cảm nhận thấy tất cả trong ánh mắt đó của những du khách, tôi cảm thấy thực sự xót xa và một phần trách nhiệm.
Văn hóa tham gia giao thông là chủ đề bàn tới, bàn lui nhiều năm nay nhưng chưa thay đổi được bản chất. Lãnh đạo ngành giao thông trong hội nghị công khai cũng đã đề nghị Hà Nội chấn chỉnh tình trạng xe máy vượt đèn đỏ ở các ngã ba, ngã tư. Nhưng dù có xử lý, có bao nhiêu CSGT đi nữa mà nó không xuất phát từ ý thức chấp hành tự giác từ trong tâm can mỗi người khi đi trên đường thì mọi thứ vẫn giải quyết được căn nguyên.
Mọi người vẫn hay nhắc đến văn hóa tham gia giao thông ở nhiều nước, đặc biệt là ở Nhật. Đó là khi tất cả các làn đường đều chật cứng xe nhưng tuyệt nhiên không có một ai lách xe sang làn đường khẩn cấp. Ngay cả sau khi diễn ra các thảm họa thiên nhiên khủng khiếp khiến hàng người chết và mất tích nhưng xã hội Nhật vẫn không mất đi trật tự, mọi người vẫn tuyệt đối chấp hành văn hóa xếp hàng.
Dòng xe trên các tuyến đường từ nông thôn đến thành thị vẫn theo hàng lối, không có tình trạng bát nháo, chen lấn, cướp đường. Các xe ưu tiên vẫn luôn được tôn trọng nhường đường một cách tự nguyện và vui vẻ... Và như vậy, xã hội của họ tin tưởng, đôn nhau cùng phát triển, giảm đi được bao nhiêu nguồn lực vô ích.
Nhắc tới các nước khác không có nghĩa chê bai văn hóa giao thông nước mình. Chúng ta đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nhiều tồn tại, cần nhìn thẳng để thay đổi và để phát triển.
Khi trong tư duy của nhiều người, cái tôi lợi ích cá nhân vẫn đặt lên trên cộng đồng, chỉ nhanh, vội chút ít để rồi gây họa cho người khác hoặc cho chính mình, khiến tất cả ùn tắc, cuối cùng tất cả đều kéo nhau đi chậm, dậm chân tại chỗ. Luật pháp không được tôn trọng, du khách cười chê. Hạ tầng giao thông của nước ta đã có những bước phát triển vượt bậc nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu.
Nhưng dù bất cứ nước nào có phát triển mạng lưới giao thông tiến bộ đến đâu thì vẫn đề cốt tử vẫn là ý thức của người tham gia giao thông thì mọi con đường mới thông suốt được.
Lê lết mãi tôi mới hoàn thành được gần 10km đường để tới cơ quan trong một tiếng rưỡi đồng hồ. Người mệt mỏi và lòng thì đầy tâm tư. Từ cửa sổ phòng làm việc tôi ngồi, nhìn xuống đường thấy dòng người vẫn ken đặc, kẹt cứng. Dưới đó, có hàng ngàn người chắc cũng đang trải qua những gì tôi vừa mới trải qua, cũng bao người lát nữa tới nơi làm việc cũng đầy tâm tư như tôi và mất bao nguồn, thời gian, sức lực vô ích.
Hằng năm, mỗi thành phố lớn mất đi bao nhiêu tiền cho nạn ùn tắc giao thông? Có lẽ là một con số khổng lồ về tiền và ngoài ra còn bao hệ lụy và sự mất mát vô hình không nhìn thấy được.
Nhìn từ mỗi ngã tư thành phố, nhìn rộng ra cả xã hội, đất nước. Nếu mỗi người đều có ý thức đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cục bộ cá nhân, thượng tôn pháp luật thì chúng ta sẽ có một xã hội công bằng, văn minh, hiện đại các nguồn lực mới được khơi thông, phát huy, cộng đồng mới có sự tin tưởng an toàn ở nhau để phát triển bền vững.
Lợi ích cá nhân trên hết sẽ chỉ kéo nhau đi xuống bùn đen, không có cá nhân nào thắng lợi được cả mà tất cả sẽ chỉ "thua". Khi đó cá nhân đó sẽ không còn có lợi ích nữa mà đang cùng xã hội đi xuống mà không hề hay biết.
Chúng ta không nên chỉ đoàn kết với nhau khi hoạn nạn, thiên tai, chiến tranh... mà tình đoàn kết cần phải được thể hiện rõ nét với nhau từ những điều nhỏ nhất, trong cuộc sống hằng ngày chứ không phải là sự hô khẩu hiệu xa vời. Có vậy, chúng ta mới có thể cùng nhau tạo nên một sức mạnh trật tự để kéo các giá trị của xã hội, đất nước đi lên. Để chúng ta cùng chiến thắng.
Nguyen Hoang Doan
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.