Trên đường phố Manhattan (New York, Mỹ) có một chiếc Honda Accord màu trắng, Felicita Mercado - một cụ bà 77 tuổi khi bước lên xe đã nói rằng: "Nếu họ tính thêm phí, thì thôi, tôi chẳng đi ôtô nữa". Thay vào đó, bà sẽ bắt đầu đi xe buýt.
Tờ Guardian (Anh) mô tả trong thông tin cho biết nhà chức trách New York sẽ thu phí 23 USD (hơn 538 nghìn đồng) cho mỗi lượt ôtô vào khu trung tâm tài chính Manhattan. Ước tính có khoảng 7,7 triệu người thường xuyên ra vào khu vực này, trong đó 1,85 triệu người đi bằng ôtô.
Dĩ nhiên, với lưu lượng xe cộ như vậy, tốc độ di chuyển tuộc dốc từ trung bình 14,6 km/h vào năm 2010 xuống chỉ còn 11,4 km/h vào năm 2019. Điều đó khiến người lái xe ở TP New York phung phí trung bình 102h mỗi năm.
Chưa ai thống kê người sống ở TP HCM, Hà Nội phung phí trung bình bao nhiêu thời gian mỗi năm vì sự di chuyển chậm chạp trên đường. Nhưng một điều ai cũng biết, hễ có mưa lớn là nhiều khu vực ở Hà Nội, TP HCM ngập và tắc nghẽn đường xá.
Trong những bức ảnh chụp, chúng ta có thể thấy ôtô dàn hàng ngang và kẹt cứng, len lỏi vào đó là những chiếc xe máy.
Tình hình giao thông như vậy làm tôi liên tưởng đến một chiếc hũ, bên trong chứa rất nhiều viên đá cuội to - tức là những chiếc ôtô, xe buýt. Chúng đầy ắp và chen chúc khiến cái hũ đó chật kín, thế rồi những hạt cát nhỏ hơn - tức là những chiếc xe máy nêm kín những khoảng trống còn lại.
Nhiều người đổ lỗi cho việc quy hoạch, rằng nhiều chung cư mọc lên và đường thì không được mở rộng. Nhưng với những đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM thì sẽ luôn đông đúc dân, đường mở rộng 20 làn cũng vẫn sẽ tắc.
Tình hình tồi tệ thêm khi văn hóa giao thông kiểu điền vào chỗ trống luôn được các tài xế ôtô và xe máy thực hành một cách triệt để.
Như vậy, theo quy luật chung của các đô thị trên thế giới, phương tiện công cộng là giải pháp duy nhất để cứu vãn tình trạng tắc đường ở Hà Nội, TP HCM.
Tôi thấy có hai việc cần phải làm: Một là thu phí ôtô và cấm xe máy vào trung tâm. Hai là dồn nguồn lực thật mạnh để phát triển giao thông công cộng, tất nhiên là dùng khoản tiền thu được từ việc thu phí ôtô.
Việc này tôi thấy từ 2019, tôi đã thấy Hà Nội bàn đến, theo đó UBND TP Hà Nội đã báo cáo HĐND TP việc thực hiện nghị quyết về đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030", trong đó có nội dung thu phí phương tiện vào nội đô.
Cuối năm ngoái, Hà Nội cũng lên tiếng tính đến việc cấm xe máy sau năm 2025.
>> 'Thách thức niềm tin' khi thu phí ôtô vào trung tâm TP HCM
Để thu được 23 USD mỗi ôtô vào trung tâm Manhattan, chức trách TP New York đã phải vật lộn để vượt qua sự phản đối trong nhiều thập kỷ trước khi được ký thành luật vào năm 2019. Xin nói thêm là có đầy đủ hệ thống giao công cộng và chúng kết nối mọi nơi ở New York.
Sự thành công của việc chống ùn tắc bằng thu phí ôtô và cấm xe máy phụ thuộc vào việc nhanh chóng chuẩn bị cơ sở hạ tầng giao thông công cộng. Bởi không thể tiến hành việc "lấy xe khỏi người dân" mà không cung cấp sự chọn lựa tiện lợi, dễ dùng hơn.
Việc thu phí ôtô, cấm xe máy ở ta sẽ ra sao khi mới được bàn trên giấy và giao thông công cộng của các thành phố chưa phủ sóng rộng, đầy đủ? Liệu đến năm 2030, 2025 có thể giảm ùn tắc như các đề án đã nêu?
Nguyễn Quân
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.