Câu chuyện về vị Phó chủ tịch phường ở Nha Trang nói đi mua bánh mỳ là 'không thiết yếu' đang là tâm điểm tranh cãi mấy ngày gần đây. Tôi xin không bàn đến chuyện phân định bánh mỳ là hàng thiết yếu hay không vì tất cả đã có trong các văn bản, quy định chung. Cũng xin không đánh giá về văn hóa ứng xử của vị cán bộ trên với người dân và trắng đen đã có các cơ quan pháp luật xử lý.
Ở đây, tôi muốn khẳng định lại rằng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 hay 16 không có nghĩa là bắt người dân phải ở trong nhà và chỉ được ăn mỳ gói qua ngày. Nhu cầu về lương thực, thực phẩm là thiết yếu. Chẳng ai có thể phòng dịch với một cơ thể rệu rã, sức khỏe giảm sút vì ăn quá nhiều đồ ăn công nghiệp, chế biến sẵn cả. Tôi tin các cấp lãnh đạo hiểu điều đó, thế nên siêu thị vẫn mở, chợ dân sinh vẫn bán, cửa hàng bán đồ ăn mang về vẫn hoạt động để phục vụ nhu cầu của người dân đó thôi.
Nhu cầu là có, nhưng quan trọng là người dân đã thực sự ý thức được về khái niệm "thiết yếu" hay chưa? Cứ thử hình dung thế này, bánh mỳ là hàng thiết yếu, gạo, rau, thịt, trứng cũng là hàng thiết yếu. Nhưng khi thành phố đang giãn cách xã hội, bạn sẽ ra đường mua một ổ bánh mỳ hay một bao gạo, một bó rau, chục quả trứng? Một ổ bánh mỳ chỉ ăn được trong một bữa, nghĩa là bữa sau bạn sẽ lại tiếp tục phải ra ngoài. Trong khi đó, chỉ cần một lần đi mua vài kg gạo, đôi ba mớ rau và ít thịt, trứng là bạn có thể ở yên trong nhà vài ngày tới cả tuần rồi. Vậy bên nào có ý nghĩa chống dịch hơn?
Thực ra tôi không có ý chê trách bất cứ ai ra đường chỉ vì mua một ổ bánh mỳ vì có thể còn nhiều lý do khác như điều kiện kinh tế, thời gian hạn hẹp... Nhưng không thể phủ nhận rằng, một bộ phận không nhỏ người dân đang vin vào những thứ mang tên "thiết yếu" đó để biện minh cho việc ra đường của mình.
Tôi lấy ví dụ từ chính người hàng xóm mà tôi gặp sáng nay. Ông vốn có thói quen đi xe đạp thể dục mỗi ngày. Thế nhưng từ khi TP HCM áp dụng chỉ thị 15 rồi 16, thói quen ấy của ông không thể được đảm bảo. Buồn chân, buồn tay, không chịu được khi phải ru rú trong nhà, ông nghĩ ra kế buộc bao gạo nhỏ sau xe, treo thêm bó rau trước tay lái và lao ra đường. Ông bảo: "Làm vậy cho chắc ăn, vừa được ra đường đạp vài vòng khỏe người, lại đỡ bị phạt khi có người chặn lại kiểm tra, cứ bảo vừa đi mua lương thực, thực phẩm về là xong".
>> 'Mua tích trữ ba thùng mỳ tôm, ăn mãi không hết'
Đấy, với cái ý thức như vậy thì thử hỏi đến khi nào Sài Gòn mới dập được dịch? Nếu ai cũng "khôn lỏi" như vậy thì thành phố sẽ còn bùng dịch đến mức nào? Luật được ra là để thực hiện, thế nhưng trong khi nhiều người đang cố gắng hạn chế tối đa các nhu cầu của bản thân vì cộng đồng, thì một bộ phận không nhỏ người thiếu ý thức lại cố gắng tìm các kẽ hở trong quy định để lách luật. Chính điều đó khiến bản thân các lực lượng chức năng luôn rơi vào tình trạng căng thẳng, áp lực, đề phòng, nghi ngờ... lâu dần khiến họ mất kiểm soát, nóng nảy và cứng nhắc. Âu cũng là khó trách vì "không có lửa thì làm gì có khói".
Tôi cực kỳ thương mấy đội kiểm soát ở phường mình. Trời nắng nóng hay mưa to, họ cũng vẫn không rời chốt trực, cố đảm bảo tốt nhất tình trạng giãn cách xã hội theo đúng tinh thần của thành phố. Ấy vậy mà không có hôm nào tôi không nghe thấy mấy tiếng om sòm nhiếc móc của người dân khi họ bị xử phạt, không được qua chốt. Ai dường như cũng có lý do riêng để ra ngoài, mà khổ nỗi họ luôn cho rằng lý do của mình là chính đáng, nhu cầu thiết yếu. Và để giải thích cho họ hiểu thì quả thực khó hơn dạy học cho học sinh.
Những ngày này, thành phố gần như không ngủ khi tình hình dịch bệnh vẫn rất căng thẳng. Tôi hiểu và thông cảm cho những nỗi vất vả của các lực lượng tuyến đầu chống dịch. Họ đã và đang dốc lòng, dốc sức để bảo vệ sự bình yên của thành phố. Vậy những người dân thường như tôi, như các bạn nên làm gì? Đơn giản là giảm bớt cái "tôi" của mình xuống, cắt bớt những nhu cầu, sở thích cá nhân của mình lại. Bất tiện một chút, thiếu thốn thứ này, thứ kia một chút cũng có sao đâu trong cái thời buổi giãn cách này.
Chống dịch như chống giặc. Hãy ở yên trong nhà nếu bạn không có đủ sức đối mặt với Covid-19. Bữa cơm hôm nay có thể không đủ đầy như thường nhật, nhưng tôi mong các bạn hãy học cách thích nghi và chấp nhận. Bởi ít nhất chúng ta còn có đồ để ăn, chứ không như "mấy gã khó tính" kia, phải đứng chốt cả ngày, nhiều khi đói meo bụng nhưng đến cái bánh mỳ cũng chẳng được đi mua ý chứ.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.