Hôm nay, sau gần hơn một tháng con trai nhập học lớp 1, tôi nhận được thông báo họp phụ huynh đầu năm. Con tôi học tại một ngôi trường nhỏ nằm tại quận Bình Thạnh, TP HCM. Mấy ngày qua, dư luận rất xôn xao về bộ sách giáo khoa mới, chất lượng cải cách của Bộ Giáo dục & Đào tạo, cùng những luồng thông tin trái chiều từ phía phụ huynh và giáo viên. Tôi muốn kể cho các bạn nghe về câu chuyện đi họp phụ huynh của tôi, hy vọng sẽ góp một phần tiếng nói giữa những tranh luận thời gian này:
Phụ huynh chúng tôi ngồi vào chỗ có tên con của mình, đó cũng là chỗ của các bé ngồi trên lớp. Chưa tới giờ và phụ huynh chưa vào đầy đủ, tôi thấy các cha mẹ giao lưu trò chuyện với nhau, rì rào hỏi thăm về con mình, con người. Khi lớp bắt đầu đông, cô giáo chủ nhiệm mời phụ huynh ổn định để bắt đầu buổi họp. Sau phần giới thiệu về trường, lớp, thành tích của trường trong năm vừa qua, cảm ơn phụ huynh đã tin tưởng gửi con em học tại trường... cô giáo bắt đầu vào nội dung chính.
Vấn đề mà tôi cũng như nhiều phụ huynh khác quan tâm là chương trình học lớp 1 cải cách với bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo, cũng được cô đề cập. Cô phát biểu trước về cảm nhận của bản thân về phương pháp dạy và học năm nay khác gì so với các năm trước? Thật bất ngờ khi đó là một lời khen: "Con người không có ai hoàn hảo và sách giáo khoa nào cũng vậy, sẽ có những ưu và khuyết điểm riêng. Cái nào tốt thì mình phát huy, cái nào chưa tốt thì mình sẽ thay đổi hoàn thiện dần dần. Sách giáo khoa năm nay rất đẹp, có những hình ảnh rất sống động mà khi nhìn vào, các bé có thể biết được từ khoá đó là gì. Cô giáo sẽ không phải giải thích, cắt nghĩa như mọi năm, trong khi hình thức rất đẹp và dễ tiếp thu cho các bé.
Còn về nội dung, điểm khác biệt nhất trong năm nay là giáo viên có thể chủ động thời gian giảng dạy, không chia theo tiết, không chạy theo bài như mọi năm. Ví dụ, nếu thấy bài này các bé chưa nắm vững, cô có thể dạy thêm tiết vào buổi chiều hoặc vào ngày mai. Tương tự, bài nào dễ, các bé tiếp thu nhanh, cô có thể lướt qua".
Cô cũng chia sẻ, bản thân có hai người con. Bé đầu được cho học sớm nên đến khi vào năm học học rất nhẹ nhàng và không có gì khiến mẹ phải lo lắng. Trong khi đó, con thứ hai chỉ được học trước thời gian ngắn, chủ yếu để bé biết cách cầm bút, biết viết các nét cơ bản, nhưng đến khi vào năm học cũng vẫn theo kịp bạn bè, có điều nhiều chữ vẫn hay lộn, nhưng chỉ một thời gian sau, bé đã thích nghi và cũng theo kịp bài.
Cô còn ví dụ thêm một vài học trò cũ, rằng trẻ con mỗi em mỗi khác. Bé nào thông minh tiếp thu tốt thì học nhanh; bé nào chậm, ban đầu không theo kịp bạn bè nhưng cũng chỉ là trong một gia đoạn, từ từ bé vẫn sẽ nắm bắt và cảm nhận đầy đủ, khó thành dễ. Nếu bé nào chậm quá, phụ huynh có thể dạy thêm cho con ở nhà, đừng sợ con mình không bằng bạn bè vì đến một thời điểm nào đó, con sẽ nắm bắt được hết.
>> Những thắc mắc khi chỉnh sửa sách Tiếng Việt lớp 1
Sau khi phát biểu ý kiến của mình, cô mời phụ huynh góp ý về những khó khăn gặp phải trong việc dạy học cho con. Tất cả phụ huynh đều im lặng, không một cánh tay nào giơ lên, cũng như chẳng ai ý kiến gì. Điều này hoàn toàn không giống với những gì căng thẳng diễn ra trên mạng xã hội những ngày qua.
Tôi từng chứng kiến, mỗi khi một bài viết nào về học sinh lớp 1 được chia sẻ, sẽ có rất nhiều ông bố, bà mẹ "nhảy lên" kể khổ, rằng con cái mình học hành áp lực ra sao, chương trình học năm nay nặng như thế nào... Phải chăng phụ huynh lớp con tôi không ai dùng mạng xã hội?
Cuối cùng, chỉ có một phụ huynh đứng lên phát biểu: "Tôi thấy lượng kiến thức bé học rất nhiều và nhanh làm bé nhầm lẫn, không phân biệt được g - gh, nh - ch, cứ lộn xộn hết lên". Cô giáo nhẹ nhàng trả lời, giái đáp rất nhiều thắc mắc. Câu trả lời cuối cùng có lẽ là do sự tiếp thu của mỗi bé.
Quay trở về vấn đề chính của cuộc họp phụ huynh là vấn đề học phí, tiền quỹ... Trong khi số đông phụ huynh có tâm lý thụ động, suy nghĩ "ai cũng đóng nên mình đóng theo", không dám ý kiến. Một vấn đề nữa là trường chỉ học hai buổi hoặc bán trú, không học một buổi như ngày xưa.
Theo tôi, trường nên có lớp học một buổi, giờ học dồn hết vào buổi đó, phụ huynh nào có điều kiện chăm con thì đón về, phụ huynh nào không có điều kiện vẫn có lớp bán trú (buổi sáng học chính bình thường, buổi chiều cô ôn lại, rèn luyện kiến thức đã học buổi sáng) như vậy bài vở mới giảm tải, áp lực cho học sinh và phụ huynh cũng được giảm bớt.
Khi đó sẽ không còn cảnh bố mẹ nào cũng phải hối hả dạy con học mỗi tối. Chúng tôi, những phụ huynh thế hệ 8x, 9x, đã phải học 12 năm phổ thông, bốn năm chuyên ngành, bây giờ ra trường đi làm vẫn phải quay lại học tiếp buổi tối với con cái sao?
Hãy để những năm đầu đời của các con trôi qua nhẹ nhàng. Việc từ mẫu giáo chỉ biết ăn, chơi, giờ chuyển sang trường tiểu học, phải ngồi trên ghế suốt ngày để học viết rõ ràng là không hề đơn giản. Theo tôi, hãy cho các bé thích nghi từ từ, tạo tiền đề ở lớp 1, rồi khi lên lớp 2, lớp 3, mỗi năm sẽ tăng thời gian học lên dần dần, vậy mới có được hiệu quả.
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.