* Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim
The Pot Au Feu (còn có tên La Passion de Dodin Bouffant) ra mắt ở Liên hoan phim Cannes (Pháp) ngày 24/5. Tác phẩm tranh giải Cành Cọ Vàng nhận tràng pháo tay gần bảy phút ở Lumière - phòng chiếu chính của sự kiện. The Pot Au Feu cũng đánh dấu việc Trần Anh Hùng quay lại Cannes, nơi từng chứng kiến ông giành giải Camera Vàng năm 1993 với phim đầu tay Mùi đu đủ xanh.
Bộ phim quy tụ hai diễn viên Benoît Magimel và Juliette Binoche, được chuyển thể từ tiểu thuyết The Life and Passion of Dodin-Bouffant, Gourmet (1924) của Marcel Rouff. Nhân vật chính Dodin (Benoît Magimel) là một người sành ăn, dành toàn bộ thời gian để nghĩ về những món ăn chất lượng hàng đầu. Anh đủ giàu để theo đuổi đam mê của mình và tụ tập một nhóm bạn giống mình. Godin có thể nhận biết những món ăn ngon dở trong chớp mắt, cũng như hiểu biết sâu sắc về nguyên liệu và cách nấu. Tài năng của Dodin nức tiếng gần xa, đến mức anh được xem là "Napoleon trong giới ẩm thực".
Dodin có đầu bếp Eugénie (Juliette Binoche) - người có bản năng tuyệt vời về hương vị và thành phần. Cô luôn hoàn thành các yêu cầu Dodin đặt ra. Eugénie cũng được ngưỡng mộ không thua gì chủ nhân của mình, nhưng lại không muốn đón nhận hào quang mà chỉ tận tụy trong bếp. Những bữa tối hoành tráng thường xuyên diễn ra tại nhà của Dodin, còn Eugénie làm việc và dùng bữa một mình trong bếp. Cô chỉ dạy cháu gái 13 tuổi của người giúp việc, cũng là một cô gái trẻ mang tiềm năng ẩm thực phi thường.
Dodin không hề che giấu tình cảm và sự ngưỡng mộ với Eugénie, người đã gắn bó với anh nhiều năm đến mức không thể tách rời. Anh mạnh dạn tỏ tình và xin phép cưới cô như sự hợp thức hóa cho quan hệ khăng khít của họ. Nhưng liệu mối tình này có thể kết thúc với hạnh phúc trọn vẹn?
Tên phim Pot Au Feu chỉ một món bò hầm truyền thống của Pháp. Phim có tình tiết một nhà quý tộc nước ngoài mời Dodin và nhóm bạn dự một bữa tiệc thừa xa hoa nhưng thiếu tinh tế. Để đáp lại, Dodin mời người này đến chỗ mình, dự định chỉ phục vụ món ăn pot au feu mộc mạc.
Nhưng chính sự giản đơn lại ẩn chứa kỳ công, giống nhận định: Tài hoa ẩm thực là nấu những món bình thường mà vẫn toát lên sự đặc biệt. Tác phẩm mới của Trần Anh Hùng cũng có thể được xem như vậy: Một câu chuyện đơn giản nhưng phong cách nghệ thuật của đạo diễn đã tạo ra sức sống cho phim. Thức ăn là chủ đề trung tâm, với hàng loạt trích đoạn mô tả việc chuẩn bị bữa ăn. Những cú máy cận vào nguyên liệu, cũng như các chuyển động lia máy được sắp đặt vừa vặn, tạo ra nhịp điệu tao nhã cho loạt cảnh nấu nướng. Ở bàn tiệc, thành quả của đầu bếp được những người sành ăn tiếp nhận với những bình luận am hiểu.
Trong The Menu (2022), tác phẩm nổi tiếng về ẩm thực, việc nấu nướng được biến thành một trải nghiệm mang tính cực đoan và ám ảnh. Còn The Pot Au Feu tiếp cận chủ đề này theo hướng thiêng liêng và nên thơ. Ẩm thực được nâng tầm thành nghệ thuật, còn ngôi nhà của Dodin là một thánh đường của những người sành ăn của Pháp vào cuối thế kỷ 19.
Bên cạnh vẻ đẹp ẩm thực, Trần Anh Hùng xây dựng hai nhân vật chính hòa quyện với nhau, thể hiện ngôn ngữ tình yêu qua những cuộc trò chuyện về nấu ăn. Họ hòa hợp cả về bản năng, trí tuệ lẫn khát vọng. Dodin liên tiếp đặt ra những yêu cầu khó về ẩm thực, đôi khi mơ hồ và mang tính triết học, xã hội học, nhưng Eugénie đều có thể hoàn thành.
Họ yêu nhau dựa trên sự bình đẳng, nể phục và tôn trọng nhau, Dodin không hề kiêu ngạo, hiểu rõ anh chẳng là gì nếu thiếu đi Eugénie trong bếp. Mối quan hệ khăng khít này có phần gợi nhớ đến mối tình của Trần Anh Hùng và người vợ là Trần Nữ Yên Khê ngoài đời thực. Đạo diễn cũng đã dành tặng người bạn đời một lời tri ân khi bộ phim kết thúc.
The Pot au Feu có rất ít những xung đột và kịch tính. Dù vậy, như Dodin thừa nhận, anh và Eugénie đã bước vào mùa thu của tuổi trẻ. Họ hầu như đã viên mãn trong đời sống nhưng lại đối mặt nỗi bất an rằng hạnh phúc đó liệu có thể kéo dài bao lâu. Trong phần lớn câu chuyện, Trần Anh Hùng sử dụng gam màu nóng, từ ánh nắng và ánh nến, để hòa hợp với câu chuyện ẩm thực. Nhưng ở cảnh quay bước ngoặt của phim, màu lạnh lại chiếm ưu thế nhằm mô tả nỗi buồn của nhân vật.
Trần Anh Hùng tiếp cận câu chuyện theo cách điềm tĩnh và chậm rãi, như chính cách nấu món ăn truyền thống. Suốt những phút đầu, ông chiêu đãi người xem bằng loạt cảnh nấu nướng, trước khi bắt đầu giới thiệu sâu hơn về các nhân vật. Sự chăm chút của hai vai chính dành cho ẩm thực được xem là biểu tượng sâu xa cho nghệ thuật, nơi chỉ có sự cống hiến hết mình mới tạo ra thành quả thực thụ. Eugénie không trực tiếp ăn cùng khách vì muốn giao tiếp với họ thông qua những thức ăn cô thực hiện. Điều này cũng giống quan niệm của nhiều nghệ sĩ rằng hãy để tác phẩm nói thay cho mình.
So với bộ phim gần nhất của Trần Anh Hùng - Eternity (Vĩnh cửu, 2016), The Pot au Feu có lẽ dễ tiếp cận khán giả đại chúng hơn bởi câu chuyện nhẹ nhàng. Phim có những khoảnh khắc ấm áp, mang lại tiếng cười khi hai nhân vật đối đáp. Một số phân cảnh dễ gây xúc động về cách thể hiện tình yêu thầm lặng, như Dodin nấu ăn cho Eugénie khi cô ốm.
Khán giả thích suy ngẫm có thể sẽ nghĩ về một chút hiện sinh của bộ phim. Một bữa ăn, dù thịnh soạn và trau chuốt đến đâu, cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, như chính đời người và những mối quan hệ không thể là vĩnh cửu. Thứ còn lại sau cùng là những ký ức về khoảnh khắc chúng ta đã trải qua cùng nhau.
La Passion de Dodin Bouffant nhận nhiều phản ứng tích cực từ giới phê bình. Trang Deadline nhận xét tác phẩm có cách kể chuyện độc đáo, thành công khi tôn vinh các giác quan trong trải nghiệm ẩm thực. Tờ Guardian khen phim có nhiều cảnh quay đẹp mắt, toát lên sự quyến rũ và tinh tế. Hollywood Reporter đánh giá cao diễn xuất của cặp diễn viên chính.
Ân Nguyễn (từ Cannes, Pháp)