(Bài Ý kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.)
Ai cũng bị cách ly hết thì lấy ai làm ra lúa gạo để người dân chúng ta mua? Hiện giờ, mọi người còn duy trì cuộc sống được là nhờ có đủ lương thực dự trữ. Nhưng nếu khoản dự trữ ấy hết, không còn gạo, khi ấy dù bạn có nhiều tiền đến mấy cũng không thể mua được để ăn. Bản thân tiền tệ cũng chỉ là mấy tờ giấy, nếu không xoay vòng liên tục, thì giá trị của nó chẳng khác gì nhà đất bỏ hoang.
Tình hình như vậy xảy ra ở khắp mọi nơi trên thế giới, không riêng gì Việt Nam. Như vậy, dù chúng ta có nới lỏng cách ly, khôi phục lại sản xuất nhưng cũng chỉ là tự cung tự cấp mà thôi. Mọi nơi đều đóng cửa thì kinh doanh buôn bán với ai? Chỉ khi nào dịch bệnh trên toàn thế giới chấm dứthoàn toàn, mọi nơi khôi phục lại kinh tế, thì khi ấy mới hy vọng bình thường trở lại như trước khi xảy ra dịch bệnh.
>> Những người không 'lãng mạn' mùa dịch
Vậy, lương thực có thể dự trữ được bao lâu? Tối đa hai năm là hết hạn sử dụng. Trong vòng hai năm ấy, nếu chưa hết dịch, nước nào cũng vẫn cứ cố cách ly thì cả thế giới sẽ bị đói. Lúc đó, nhiều tiền đến mấy cũng không có hàng mà mua – tức là tiền bạc sẽ biến thành giấy vụn. Trong số những người yếu thế có cả người làm ra lương thực. Nếu họ "chết đói" trước thì phần còn lại của thế giới biết lấy gì ăn? Tất cả sẽ chịu chung số phận trước khi chết vì dịch.
Cách ly là biện pháp hiệu quả để chống lây lan, chứ không phải phương thuốc chữa bệnh vì con người chưa tìm ra được vaccine. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần "sống chung với lũ". Ai bị xét nghiệm dương tính cần cách ly lập tức và truy tìm F1, F2 của người đó. Còn người bình thường thì nên dần hoạt động lại bình thường. Đương nhiên, cũng có một số thứ cần phải thay đổi cho phù hợp với tình hình dịch bệnh như đeo khẩu trang thường xuyên, ưu tiên làm việc online nếu có thể.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.