Trước thông tin "Sài Gòn cho phép quán bar hoạt động trở lại" sau gần 2 tháng phải đóng cửa để phòng chống Covid-19, nhiều độc giả VnExpress bày tỏ sự lo ngại đến nguy tái bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng:
TP HCM nên xem lại việc cho mở lại quán bar vì trong thời điểm này còn nhiều khả năng những nơi như quán bar, vũ trường, rạp chiếu phim, karaoke chưa an toàn. Nhìn qua Hàn Quốc, một vũ trường chỉ một người bị bệnh đã lây cho hơn hai mươi người đến thời điểm này.
Hàn Quốc cũng tưởng ổn sau khi hết cách ly xã hội được vài hôm. Các bar vừa hoạt động trở lại thì dính ngay ca dương tính, trong một đêm lây cho hơn chục người tiếp xúc gần và hàng ngàn người phải cách ly xét nghiệm. Báo đài kêu gọi những ai từng đi bar hôm đó nhanh chóng đi xét nghiệm... và tất nhiên các vũ trường đóng cửa trở lại thêm một tháng.
Theo tôi, quán bar, karaoke, massage, vũ trường... là những nơi chưa nên mở vào lúc này. Chúng thuộc những ngành nghề hoạt động có điều kiện, lúc bình thường chưa có dịch bệnh cũng đã bị kiểm soát rồi, ở trong mùa dịch lại càng phải siết chặt hơn nữa. Có mở cửa trễ một chút cho những cơ sở này thì cũng chẳng sao. Hãy xem dịch bệnh bên Hàn Quốc bùng nổ lần hai cũng từ các quán bar, vũ trường này.
Sao không chờ thêm vài tuần nữa cho yên tâm? Bài học Hàn Quốc còn thấy rõ. Học tập và các lĩnh vực kinh tế tổng quan khác còn phải dè chừng, vậy mà lĩnh vực này lại quyết định sớm như vậy?
Hàn Quốc mới nới lỏng từ hôm 6/5 và mới bùng phát trở lại 27 bệnh nhân tại quán bar khu vực Seoul tính tới ngày 9/5 đó. Việt Nam hãy nhìn bar Buddha mà làm gương.
>> Cửa hàng không thiết yếu mở cửa muộn sẽ giảm tắc đường?
Tuy nhiên, không ít ý kiến lại cho rằng, việc đóng cửa quá lâu các quán barr có thể ảnh hưởng tới cả chuỗi cung ứng sản phẩm liên quan, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, tác độngt iêu cực đến cả nền kinh tế ở tầm vĩ mô:
Những quán đó đóng cửa thì những người làm cho quán đó thất nghiệp, chuỗi cung ứng sản phẩm cho quán đó không có thì người lao động cũng thất nghiệp. Hãy nhìn vĩ mô, đừng chỉ tính toán cân đường, hộp sữa mãi.
Ra đường rồi nhìn vào các tiệm cà phê, trà chanh... bạn sẽ hiểu là mở vũ trường hay quán bar cũng thế thôi. Mở cho người ta còn làm ăn chứ. Tầm này, cứ xác định là trong nước là không có khoảng cách, chỉ có cách ly từ bên ngoài vào Việt Nam đã là tốt lắm rồi.
Đến nay đã trên 20 ngày không có ca nhiễm ngoài cộng đồng, vậy là tương đối an toàn. Không lẽ chờ lúc sạch bóng Covid trên thế giới mới cho họ mở sao? Giờ họ cũng lo trên bờ vực của phá sản rồi. Cẩn thận là tốt, nhưng quá thì lãng phí.
Nhìn rộng chút, vấn đề không chỉ ở chỗ "phục vụ" bao nhiêu người? Lấy ví dụ đơn lẻ nhất: anh A là nhân viên của quán bar chuẩn bị mở cửa lại, anh rất vui vì mấy tháng thắt lưng buộc bụng sắp chấm dứt. Nhà anh A có tiền thì bà B bán thịt cho vợ anh ngoài chợ có thêm chút thu nhập, ông C chủ trại chăn nuôi cũng mừng vì thị trường hồi phục, cô D làm công cho ông C cũng được đi làm lại... Chuỗi liên hệ bất tận đó tạo nên sức sống cho cái mà người ta vẫn gọi là "nền kinh tế".
Thực ra, mở càng sớm càng tốt bởi vì quốc gia nào thông báo hết dịch càng sớm sẽ có đòn bẩy kinh tế càng mạnh, để lâu và sợ hãi tất nhiên sẽ lỡ thời cơ. Trong cuộc sống, người thành công là người biết nắm lấy cơ hội, người thất bại là người để vuột mất cơ hội, bởi vì họ nghĩ cơ hội sẽ quay lại một lần nữa.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho mục Ý kiến tại đây.