Nói về hậu quả khôn lường khi để lọt những cá nhân thiếu ý thức, bạn đọc TT chia sẻ: "Nước ta dân số hơn 90 triệu người. Chỉ cần 1% vô ý thức là gánh nặng đã khủng khiếp đến mức nào. Truy vết phù hợp vào thời điểm trước, khi các ổ dịch đơn lẻ mới manh nha. Còn giờ đây dịch đã bung ra cộng đồng thì truy tìm làm sao? Đến khi truy ra rồi, người dân lại không chấp hành thì lại có thêm bao nhiêu F2, F3... nữa? Chủ trương có rồi. Nếu không làm quyết liệt thì mọi thứ sẽ bị cào bằng, không thể đưa đến một kết quả tích cực. Đất nước ta còn khó khăn, cần tập trung nguồn lực, vì vậy, xin bà con hiểu sâu hơn vấn đề".
Trước đó, dự báo dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chính quyền TP Đà Nẵng quyết định tiếp tục cách ly xã hội lần thứ 2 trong vòng 15 ngày theo chỉ thị 16 từ 0h ngày 12/8 (lần trước bắt đầu từ 0h ngày 28/7).
Độc giả Nguyễn hồng lan cho rằng, chính việc thiếu cứng rắn, và xử lý nhẹ tay của địa phương đã khiến tình trạng người dân tự ý làm trái quy định diễn ra thường xuyên: "Những người vi phạm vào luật đã ban hành, ví dụ như hàng thuốc bán thuốc ho, sốt cho khách mà không thông báo cơ quan chức năng; người được yêu cầu cách ly nhưng vẫn ra ngoài; người có biểu hiện bệnh về đường hô hấp mà không khai báo y tế, tự mua thuốc uống... phải có hình thức xử phạt theo luật. Có mạnh tay mới giảm bớt được phần nào sự vô ý thức thái quá của một bộ phận người dân. Cứ làm nửa vời như thế này thì Đà Nẵng sẽ chậm kiểm soát dịch".
Đồng quan điểm, bạn đọc Họ Tên khẳng định: "Thực ra, nếu quyết liệt phong tỏa Đà Nẵng ngay từ đầu, chúng ta sẽ đỡ tốn công sức và thời gian như bây giờ. Xét vấn đề cách ly xã hội, nếu không thực hiện triệt để mà cứ "bắt cóc bỏ đĩa" đến bao giờ mới dừng hẳn được?".
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.
Việt Thành tổng hợp