Phó tổng thư ký NATO Mircea Geoana hôm 29/5 cáo buộc Moskva đã hủy bỏ mọi nội dung trong đạo luật sáng lập về quan hệ NATO - Nga bằng cách mở chiến dịch quân sự ở Ukraine và ngừng đối thoại với liên minh, đồng thời tuyên bố khối này có quyền triển khai lực lượng ở Đông Âu.
Giới phân tích cho rằng diễn biến này cho thấy môi trường an ninh ở châu Âu đã thay đổi như thế nào kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, trong đó dấu mốc là quyết định nộp đơn xin gia nhập NATO hôm 18/5 của Thụy Điển và Phần Lan, chính thức từ bỏ chính sách không liên minh quân sự trong thời gian dài của hai nước.
Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde khẳng định "đây là quyết định tốt nhất cho đất nước vào thời điểm hiện tại". Trong khi đó, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin tuyên bố "một kỷ nguyên mới đang mở ra".
"Không chỉ Phần Lan và Thụy Điển được đảm bảo an toàn hơn bằng cách gia nhập NATO, mà là cả châu Âu", Kier Giles, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Chương trình Nga và Á - Âu thuộc viện nghiên cứu Chatham House của Anh, nói với VnExpress về quyết định của hai quốc gia Bắc Âu.
"Kinh nghiệm của Estonia, Litva, Latvia, ba nước vùng Baltic đã gia nhập NATO năm 2004 và hiện được an toàn nhất trong nhiều thế kỷ, cho thấy NATO là một lực lượng đảm bảo ổn định và an ninh. Trong khi Ukraine và Gruzia, hai nước chưa được gia nhập, phải đối mặt với nhiều xung đột trong hai thập kỷ qua", ông Giles nói thêm.
Từ 12 thành viên sáng lập ban đầu năm 1949, NATO không ngừng mở rộng trong hơn 7 thập kỷ qua và trở thành liên minh quân sự lớn nhất thế giới với 30 thành viên. Nếu đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan được thông qua, NATO sẽ có thêm trong hàng ngũ hai thành viên có năng lực quân sự rất lớn, theo các chuyên gia.
"Kết nạp thêm Phần Lan và Thụy Điển vào NATO sẽ thay đổi bản đồ an ninh châu Âu bằng cách bổ sung thêm khả năng cho liên minh", tiến sĩ Ted Gover, chuyên gia về chính sách đối ngoại và giám đốc Chương trình Quản trị cho người Mỹ bản địa thuộc Đại học Claremont Graduate ở California, Mỹ, nhận định.
Quân đội Phần Lan có khoảng 280.000 binh sĩ thường trực và 900.000 quân dự bị, được đánh giá là một trong những lực lượng vũ trang lớn nhất châu Âu tính theo bình quân đầu người. Ngoài ra, Helsinki còn sở hữu lực lượng pháo binh hàng đầu châu Âu, theo tiến sĩ Gover.
Hồi đầu tháng 4, chính phủ Phần Lan đã tăng thêm 2 tỷ USD chi tiêu quốc phòng, cao hơn 70% so với ngân sách quân sự thường niên. Quyết định tăng ngân sách có thể là nhằm đáp ứng mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng mà NATO đặt ra cho các thành viên. Ngân sách quốc phòng của Helsinki năm 2020 là hơn 1,5% GDP, theo Ngân hàng Thế giới (WB).
"Phần Lan là một siêu cường quân sự tại khu vực Bắc Âu và Baltic. Chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc giúp Phần Lan có thể huy động hàng nghìn binh sĩ chỉ trong vài ngày. Phần Lan cũng đầu tư lớn cho quốc phòng trong những thập kỷ qua, gần đây nhất là mua 64 tiêm kích tàng hình F-35 từ Mỹ", Matti Muukkonen, giáo sư luật tại Đại học Đông Phần Lan, cho hay.
Ông Muukkonen thêm rằng Thụy Điển có lực lượng thường trực ít hơn nhiều, nhưng có trang thiết bị quân sự hàng đầu. Quân đội nước này có khoảng 24.000 binh sĩ chính quy và gần 32.000 quân dự bị.
Chi tiêu quốc phòng của Thụy Điển năm nay chiếm khoảng 1,3% GDP, tăng từ mức 0,9% năm 2015. Quân đội nước này hồi đầu tháng 4 cho biết ngân sách quốc phòng của Thụy Điển có thể đạt mục tiêu 2% GDP, theo Reuters.
Thụy Điển có thể tự chế tạo chiến đấu cơ và tàu ngầm chất lượng cao. Ngoài ra, hải quân của hai nước Bắc Âu cũng có năng lực cao, sẽ giúp củng cố khả năng của NATO trong đảm bảo an ninh Biển Baltic và vùng biển Bắc Cực, theo giới quan sát.
Nga có chung đường biên giới trên bộ dài hơn 1.200 km với 5 thành viên NATO. Việc Phần Lan gia nhập liên minh đồng nghĩa đường biên giới này sẽ dài thêm gần 1.300 km.
"Biên giới dài giữa Nga và Phần Lan cho phép NATO đặt căn cứ, máy bay và các hệ thống vũ khí khác gần Nga hơn. Điều này buộc Nga phải tăng ngân sách, lực lượng, khí tài để bảo vệ phần biên giới này", ông Gover nhận định.
Giới quan sát cho rằng việc Phần Lan gia nhập NATO sẽ là đòn giáng mạnh với Moskva, bởi nó cho thấy một liên minh ngày càng đoàn kết và mở rộng, trái với mục tiêu "răn đe NATO" của Nga khi phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Đồng thời, tầm ảnh hưởng của NATO cũng sẽ được mở rộng từ Bắc Âu cho đến Bắc Cực, khu vực ngày càng trở nên quan trọng về mặt địa chính trị nhờ tài nguyên thiên nhiên, vị trí chiến lược và nhiều bên đưa ra yêu sách lãnh thổ, trong đó có Nga, Phần Lan và Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng Phần Lan và Thụy Điển, cũng như NATO, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trước khi có thể đạt được những lợi ích tiềm năng trên. Thái độ phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ chính là một trong số đó.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 28/5 cho biết đàm phán với Phần Lan và Thụy Điển không diễn ra như mong đợi và Ankara sẽ không để các nước "hỗ trợ khủng bố" gia nhập NATO.
Hai nguồn tin trước đó cho hay các cuộc đàm phán hôm 25/5 giữa Tổng thống Erdogan với phái đoàn Phần Lan và Thụy Điển không đạt được nhiều tiến triển và không rõ khi nào những cuộc thảo luận tiếp theo sẽ diễn ra. Theo nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối của NATO, cánh cửa vào liên minh sẽ đóng sập với Phần Lan và Thụy Điển nếu họ không được Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý.
"Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu mặc cả", giáo sư Muukkonen nói. "Phần Lan và Thụy Điển đã đề cập nhiều về lệnh cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2019, sau khi Ankara mở chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria. Đây có thể là điều khiến ông Erdogan thấy khó chịu".
Ankara có thể sẽ yêu cầu Washington gỡ bỏ lệnh trừng phạt liên quan đến hợp đồng tên lửa S-400 mua của Nga hồi 2019, theo ba quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên nói với Washington Post.
Giáo sư Muukkonen cũng không loại trừ khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dùng lá bài đồng ý cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO để mặc cả với Mỹ về khả năng tái tham gia chương trình tiêm kích F-35.
Tiến sĩ Gover kỳ vọng NATO và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm được tiếng nói chung và đi đến một số thỏa thuận tại hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Madrid vào cuối tháng sau.
"Mục tiêu là đẩy nhanh quá trình phê duyệt tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển trong 6 tháng, thay vì 12 tháng như bình thường. Trừ khi có điều gì không mong muốn xảy ra, tôi cho rằng ông Erdogan cuối cùng sẽ chấp thuận để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sau khi đạt được một thỏa thuận nào đó", ông Gover nói.
Một điều khác khiến nhiều người lo lắng trong quá trình kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO chính là giai đoạn chuyển tiếp từ ứng viên thành thành viên chính thức.
"Chắc chắn sẽ có một giai đoạn cả Phần Lan và Thụy Điển đều dễ bị tổn thương khi đã đệ đơn xin gia nhập NATO nhưng chưa được cấp tư cách thành viên liên minh", chuyên gia Kier Giles nhận định. "Nga có thể tận dụng điều này để gây sức ép bằng nhiều cách, như cắt giảm nguồn cung năng lượng, đóng băng hoạt động thương mại, tấn công mạng hay các biện pháp mới chưa từng được áp dụng".
Tiến sĩ Gover cũng có rằng dù không thể làm gì nhiều để ngăn chặn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Tổng thống Vladimir Putin nhiều khả năng sẽ gây áp lực cho hai nước láng giềng ở Bắc Âu theo một số cách khác. Nga gần đây đã cắt nguồn điện xuất khẩu sang Phần Lan để bày tỏ không hài lòng với quyết định của Helsinki.
Chuyên gia Mỹ không loại trừ khả năng Nga có thể triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới các địa điểm gần biên giới Phần Lan, hoặc tăng cường các tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân ở Biển Baltic như một cách tăng sức ép.
Dù Phần Lan và Thụy Điển chưa được bảo vệ theo Điều 5 của NATO, các đồng minh trong khối vẫn cam kết hỗ trợ hai nước Bắc Âu, cũng như tái khẳng định điều này trong các cam kết an ninh song phương, theo Giles. Ông cũng cho rằng Nga khó có thể làm gì về mặt quân sự với Phần Lan và Thụy Điển, đặc biệt khi phần lớn lực lượng nước này đang tập trung cho chiến dịch ở Ukraine.
"Rốt cuộc, Nga sẽ không thể ngăn Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, cũng không thể xoay chuyển cán cân quyền lực khu vực theo hướng có lợi cho mình. Thay vào đó, NATO sẽ được củng cố khi có thêm hai nước Bắc Âu", chuyên gia Ted Gover nhận định. "Bản đồ an ninh châu Âu sẽ thay đổi trong thập kỷ tới, khi một châu lục đoàn kết hơn, có năng lực hơn sẽ cùng nhau ứng phó Nga".
Thanh Tâm