Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Phần Lan và Thụy Điển nhanh chóng từ bỏ chính sách trung lập đã duy trì trong thời gian dài và bày tỏ ý định gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nếu đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển được phê chuẩn, NATO, liên minh quân sự châu Âu và Bắc Mỹ được thành lập năm 1949 nhằm đối phó Liên Xô ở châu Âu sau Thế chiến II, vẫn không ngừng mở rộng về phía đông sau 7 thập kỷ và ngày càng tiến sát biên giới Nga.
NATO ngày nay có khởi nguồn sâu xa từ Hiệp ước Dunkirk được Anh và Pháp ký năm 1947, nhằm lập ra một liên minh hỗ trợ lẫn nhau chống lại nguy cơ tàn quân Đức tấn công do hậu quả của Thế chiến II.
Một năm sau, Bỉ, Luxembourg, Hà Lan tham gia thỏa thuận an ninh này với Anh và Pháp, dẫn đến ký kết Hiệp ước Brusells vào tháng 3/1948. "Các nước phương Tây khi đó cho rằng Liên Xô đang tìm cách biến các quốc gia ở Trung và Đông Âu thành vệ tinh của mình", Jim Townsend, từng là phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách châu Âu và NATO dưới thời chính quyền Barack Obama, nói. "Họ đã bắt tay nhau và đề nghị Mỹ tham gia một liên minh mới".
NATO được thành lập theo Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ký ngày 4/4/1949, gồm 12 quốc gia sáng lập gồm Mỹ, Anh, Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Italy, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy và Bồ Đào Nha. Dwight Eisenhower, tướng Mỹ về hưu và tổng thống tương lai của Mỹ khi đó, được chọn là lãnh đạo đầu tiên của NATO.
Sau khi NATO ra đời, Liên Xô và 7 quốc gia Đông Âu cũng thành lập khối Hiệp ước Warsaw vào năm 1955 như một đối trọng. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, NATO kết nạp thêm 4 thành viên, gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, Đức và Tây Ban Nha, dần dần mở rộng về phía đông.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991 và khối Hiệp ước Warsaw cũng không còn tồn tại, NATO đánh mất đối trọng của mình. Tuy nhiên, liên minh quân sự này không giải thể, mà tiếp tục đà mở rộng về phía đông, không ngừng kết nạp thêm thành viên và ngày càng tiến sát biên giới Nga.
Trong 20 năm sau đó, tất cả các đồng minh cũ của Moskva trong khối Hiệp ước Warsaw đều trở thành thành viên NATO. Liên minh hiện nay có tổng cộng 30 thành viên, trong đó một số nước có chung đường biên giới với Nga.
Mỹ hiện là thành viên lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trong NATO. Ngân sách quốc phòng mà Washington đóng góp cho NATO nhiều hơn tất cả các nước khác cộng lại. Mỹ cũng chi hơn 22% ngân sách chung của NATO cho cơ sở hạ tầng và thiết bị thuộc sở hữu chung. Do đó, Washington có tiếng nói lớn nhất trong liên minh xuyên Đại Tây Dương.
Về cốt lõi, NATO hoạt động như một liên minh an ninh tập thể, được quy định tại Điều 5 của Hiến chương, trong đó nêu rõ nếu bất kỳ thành viên nào của liên minh bị tấn công, nó sẽ được coi là cuộc tấn công vào cả khối.
Trong trường hợp đó, mỗi thành viên sẽ có các hành động mà họ cho là cần thiết để hỗ trợ đồng minh bị tấn công, giúp "khôi phục và duy trì an ninh khu vực Bắc Đại Tây Dương". Mỗi quốc gia sẽ tự xác định hình thức hỗ trợ và phối hợp với các đồng minh khác, không nhất thiết phải là hỗ trợ quân sự.
Điều 5 được cho rất quan trọng với nhiều quốc gia nhỏ hơn, những nước không có khả năng tự vệ nếu không có đồng minh. Iceland là một trong những quốc gia như vậy vì không có quân đội thường trực.
Kể từ khi thành lập, NATO mới kích hoạt Điều 5 một lần, sau vụ tấn công khủng bố ở Mỹ vào ngày 11/9/2001. Liên minh khi đó đã phát động chiến dịch chống khủng bố đầu tiên của họ, hỗ trợ tuần tra không phận Mỹ, đồng thời cử lực lượng tới Địa Trung Hải để phát hiện và ngăn chặn các hoạt động khủng bố.
Quan hệ giữa Nga và NATO không phải lúc nào cũng căng thẳng. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô từng hai lần đề nghị gia nhập NATO, với điều kiện khối này đứng trung lập, nhưng đều không được chấp nhận.
Sau khi Liên Xô tan rã, đề xuất gia nhập một lần nữa được Nga đưa ra vào năm 1991, nhưng NATO khước từ, cho rằng Moskva nên gia nhập chương trình Đối tác Hòa bình của khối này vào năm 1994.
Năm 1999, khi Cộng hòa Czech, Hungary và Ba Lan được kết nạp vào NATO, nhiều người đã nghĩ tới kịch bản Nga sẽ trở thành thành viên tiếp theo của khối. Khi ông Vladimir Putin nhậm chức Tổng thống năm 2002, Nga lần thứ tư cân nhắc gia nhập NATO, khi Moskva và phương Tây tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tuy nhiên, NATO vẫn coi Nga là mối đe dọa và không chấp nhận tư cách "thành viên đầy đủ" của Moskva. Năm 2004, NATO kết nạp ba nước cộng hòa vùng Baltic từng thuộc Liên Xô gồm Estonia, Latvia và Litva, cũng như các nước từng tham gia Khối hiệp ước Warsaw gồm Bulgaria, Slovakia, Slovenia và Romania.
Khi đà mở rộng về phía đông của NATO trở nên rõ ràng, liên minh quân sự này trở thành "cái gai" trong mắt Nga, khiến quan hệ giữa hai bên ngày càng xấu đi.
Tháng 8/2008, Nga phản ứng với chiến lược hướng đông của NATO bằng chiến dịch can thiệp quân sự vào Gruzia với lý do bảo vệ hai nước cộng hòa tự trị đòi ly khai là Nam Ossetia và Abkhazia. Điều này khiến hợp tác song phương trong khuôn khổ Hội đồng NATO - Nga bị đình chỉ.
Hợp tác thực tế giữa NATO và Nga chấm dứt hoàn toàn vào năm 2014, sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, dù các kênh liên lạc quân sự và chính trị vẫn được duy trì.
Nga nhiều lần tuyên bố chính sách hướng đông cũng như sẵn sàng kết nạp thành viên mới của NATO là mối đe dọa an ninh. Washington và các đồng minh phủ nhận cáo buộc này, nói rằng không có quốc gia NATO nào đe dọa sử dụng vũ lực chống Nga.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin muốn NATO rút lại hiện diện quân sự ở các nước Đông Âu, chấm dứt các cuộc tập trận thường xuyên ở Litva, Latvia và Estonia, các nước từng thuộc Liên Xô và có chung biên giới với Nga.
Ông Putin phản đối NATO bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis Ashore ở Romania, quốc gia vệ tinh cũ của Liên Xô, cũng như một căn cứ tương tự đang được phát triển ở Ba Lan, cho rằng chúng có thể khai hỏa tên lửa tấn công đe dọa an ninh Nga.
Moskva cũng quyết liệt phản đối mong muốn gia nhập NATO của Ukraine, bày tỏ lo ngại nếu kết nạp nước này, NATO sẽ lập căn cứ, triển khai vũ khí sát nách Nga. "Khi tạo ra mối đe dọa cho Nga, Ukraine cũng gây ra mối đe dọa cho chính mình", ông Putin tuyên bố hồi tháng 2, trước khi phát động chiến dịch quân sự tại nước láng giềng.
Mối lo ngại hiện tại của Tổng thống Nga là Phần Lan và Thụy Điển, hai nước Bắc Âu từng duy trì chính sách không liên minh quân sự, giờ đây mong muốn trở thành thành viên NATO.
"Chúng tôi từng nhiều lần khẳng định NATO là công cụ hướng tới đối đầu và việc mở rộng liên minh này sẽ không mang đến ổn định cho châu Âu", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết hôm 11/4.
Việc chấp thuận Thụy Điển và Phần Lan vào NATO, một quá trình có thể mất tới cả năm để hoàn thành, sẽ khiến liên minh quân sự phương Tây mở rộng thêm gần 1.300 km biên giới quân sự với Nga, đồng thời đánh dấu sự thay đổi sâu sắc trên cục diện chiến lược an ninh ở châu Âu.
"Khi ấy, cái gai NATO trong mắt Nga sẽ lớn đến mức Moskva buộc phải có hành động nào đó", Dmitry Suslov, chuyên gia tại Đại học Nghiên cứu Quốc gia ở Moskva, nói.
Theo Suslov, điều tối thiểu mà Nga có thể làm là củng cố hiện diện quân sự dọc biên giới Phần Lan, bởi Helsinki giờ đây không còn được coi là "bên thân thiện" nữa. Nga cũng có thể tăng cường lực lượng hải quân ở Biển Baltic, nơi Moskva cho rằng sẽ trở thành "ao của NATO" sau khi Thụy Điển, Phần Lan gia nhập.
Nếu Mỹ hay Anh thiết lập căn cứ quân sự ở Phần Lan, Nga sẽ "không còn lựa chọn nào khác ngoài triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật để có thể nhắm vào các căn cứ đó", Suslov cảnh báo.
Nhưng Phần Lan dường như không lo ngại về kịch bản này. "Chúng tôi đã quen với thực tế rằng Nga luôn ở ngay cạnh mình", tướng Pekka Toveri, cựu giám đốc tình báo quân sự Phần Lan, nói. "Phần lớn người Phần Lan cũng không quá lo lắng về điều đó".
Thanh Tâm (Theo DW, NPR, NY Times, WP)