Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người được coi là đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong Liên minh châu Âu (EU), đã đe dọa phủ quyết các biện pháp trừng phạt với dầu mỏ Nga mà 26 quốc gia thành viên khác đã phê duyệt. EU đã rất nỗ lực thuyết phục Hungary chấp thuận kế hoạch cấm dầu Nga, nhưng đến nay chưa thành công.
Ở NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phản đối để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự, dù phần còn lại của khối đều thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ. Theo nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối của NATO, cánh cửa vào liên minh sẽ đóng sập với Phần Lan và Thụy Điển nếu họ không được Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý.
Những tuyên bố, hành động của Thủ tướng Hungary và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể khiến các liên minh phương Tây như EU và NATO rơi vào bế tắc trong nỗ lực tăng trừng phạt Nga liên quan đến chiến dịch quân sự ở Ukraine, thậm chí phơi bày và làm sâu sắc thêm những lục đục, mâu thuẫn trong nội bộ, David A. Andelman, nhà bình luận chính trị kỳ cựu của CNN, nhận định.
Các lãnh đạo EU đang đưa ra hàng loạt ý tưởng để ứng phó với những cản trở từ trong nội bộ khối. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuần trước tới Budapest để gặp Thủ tướng Orban trong nỗ lực thuyết phục ông ủng hộ lệnh cấm dầu Nga. Nhưng cuối cùng, von der Leyen chỉ có thể thông báo rằng bà đã thành công trong việc "làm rõ các vấn đề" với lãnh đạo Hungary.
Nhiều hoạt động ngoại giao cũng đã được khởi động để thuyết phục Tổng thống Erdogan thay đổi quan điểm, trong đó có nỗ lực đàm phán của Phần Lan và Thụy Điển với Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng ông Erdogan ngày 18/5 tuyên bố "sẽ nói không với việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO" và "tiếp tục chính sách của mình một cách kiên quyết".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trước đó đã cáo buộc và lên án Phần Lan, Thụy Điển hỗ trợ đảng Công nhân người Kurd (PKK) vốn bị Ankara coi là tổ chức khủng bố, cũng như các tổ chức người Kurd liên quan.
Đây không phải là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ hục hặc với phần còn lại của NATO. Năm 2019, nước này quyết tâm tiếp nhận các tổ hợp phòng không S-400 mua của Nga, bất chấp phản đối từ các đồng minh trong NATO. Mỹ lo ngại rằng hiện diện của hệ thống phòng không Nga trong NATO có thể đe dọa đến an ninh của khối.
"Thời điểm đó, đã có nhiều ý kiến về việc loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi NATO, khi Tổng thống Erdogan phớt lờ mọi cảnh báo của khối", Andelman cho biết.
NATO sau đó đã không có hành động quyết liệt nào với Ankara. Giới quan sát cho rằng liên minh không muốn mạo hiểm "chọc giận" Thổ Nhĩ Kỳ, nước sở hữu quân đội thường trực lớn thứ hai trong khối, sau Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang kiểm soát eo biển chiến lược Bosporus, cũng như cửa ngõ duy nhất tiếp cận Biển Đen.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng hiện là thời điểm thích hợp để EU và NATO có những bước đi hợp lý hơn nhằm đối phó với những động thái "không theo số đông" từ các thành viên như Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
"Hoàn toàn hợp lý khi thúc giục EU thực thi kế hoạch trừng phạt Nga của mình mà không cần sự đồng ý của Hungary", giáo sư Robert I. Rotberg, giám đốc chương trình Intrastate Conflict tại Trường Harvard Kennedy ở bang Massachusetts, Mỹ, nói. "Giờ là lúc xem xét lại nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối trong EU và NATO".
Theo bình luận viên Andelman, để đối phó với những cản trở từ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu có thể áp dụng chiến thuật rất đơn giản, đó là "phớt lờ" Budapest và Ankara.
Tất cả 26 thành viên khác của EU có thể áp lệnh cấm dầu Nga, trong khi NATO vẫn tiếp tục mở đường cho Phần Lan và Thụy Điển gia nhập, bất chấp sự phản đối của hai nước này.
Giáo sư Rotberg cho rằng Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ có thể phản ứng quyết liệt, thậm chí đe dọa rút khỏi EU và NATO. Tuy nhiên, ông dự đoán hai nước sẽ không làm điều đó, bởi quyết định rút lui không đem lại lợi ích cho cả Budapest lẫn Ankara. Dù tố EU đang "lạm quyền", Thủ tướng Orban hôm 16/5 thừa nhận rằng Hungary có lợi ích khi vẫn là thành viên của khối.
Kịch bản nhiều người lo ngại nhất là Hungary có thể kiện lên Tòa án Công lý châu Âu, nhưng các chuyên gia cho rằng khả năng thành công của Budapest là không cao.
"Tòa án sẽ mất nhiều năm để giải quyết", giáo sư Rotberg nói, đồng thời chỉ ra rằng Tòa án Công lý từng bác bỏ khiếu nại của Hungary với các hình phạt tài chính mà EU từng áp đặt với cáo buộc chính quyền của ông Orban vi phạm các quyền dân chủ và tự do theo tiêu chuẩn của khối.
Trong khi đó, nếu 26 quốc gia EU còn lại quyết định áp lệnh cấm dầu, Nga sẽ mất một thị trường cùng doanh thu rất lớn. Nguồn thu này có thể mất đi vĩnh viễn nếu châu Âu tiếp tục nỗ lực loại bỏ năng lượng Nga.
"Bây giờ là lúc các nước châu Âu phải thể hiện quyết tâm của mình và chấm dứt tình trạng một hai thành viên kìm chân cả khối", Andelman viết, đề cập tới quy chế đồng thuận tuyệt đối trong các quyết định của EU và NATO.
Thanh Tâm (Theo CNN)