Phần Lan và Thụy Điển ngày 18/5 nộp đơn xin gia nhập lên Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, kết thúc chính sách trung lập mà hai nước đã duy trì trong thời gian dài. Dù ông Stoltenberg nhiều lần khẳng định hai nước Bắc Âu sẽ được NATO chào đón với "vòng tay rộng mở", trở ngại trước mắt với họ là sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia thành viên của khối.
Nước này đã ngăn nỗ lực đàm phán tại cuộc thảo luận của các đại sứ NATO cùng ngày về đơn xin gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, song nhấn mạnh Ankara không cố tình chặn triển vọng gia nhập của hai nước Bắc Âu, mà chỉ mong muốn đạt được những thỏa thuận phù hợp, ba quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên nói với Washington Post.
Các quan chức này cho biết Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan công khai lên án đảng Công nhân người Kurd (PKK) cùng các nhóm vũ trang liên quan trước khi hai nước này được gia nhập NATO. Ngoài ra, Ankara sẽ yêu cầu Washington gỡ bỏ lệnh trừng phạt liên quan đến hợp đồng tên lửa S-400 mua của Nga hồi 2019.
Thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ rất quan trọng, do Phần Lan và Thụy Điển phải nhận được đồng thuận từ tất cả 30 quốc gia thành viên để được kết nạp vào NATO. Nếu Ankara hay bất kỳ nước thành viên nào phản đối, cánh cửa vào NATO sẽ khép lại với hai quốc gia Bắc Âu.
Mâu thuẫn về vấn đề người Kurd
Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định bất cứ nước nào xin gia nhập NATO đều phải công nhận mối lo ngại an ninh của nước này với các nhóm dân quân người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Iraq.
Đây là một trong những vấn đề gây căng thẳng nhất trong nội bộ NATO, bởi các nước thành viên đều coi PKK là tổ chức khủng bố hoạt động trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, người Kurd còn hiện diện ở miền bắc Syria và đóng vai trò rất quan trọng với phương Tây trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Dân quân người Kurd ở Syria có tên gọi là Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG). Đây là lực lượng nòng cốt của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), thành lập vào tháng 10/2015 và được phương Tây hỗ trợ về tài chính, vũ khí, huấn luyện để chiến đấu chống IS.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc YPG có quan hệ chặt chẽ với PKK, dù các lãnh đạo lực lượng này phủ nhận.
Tổng thống Erdogan bày tỏ quan ngại về việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO một ngày sau khi các chiến binh YPG tiến hành một vụ tập kích rocket qua biên giới, khiến một binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng và ba người bị thương.
Hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/5 cáo buộc các quan chức cấp cao Thụy Điển duy trì liên lạc với người Kurd, đồng thời cho biết YPG đã sử dụng vũ khí chống tăng AT-4 do Thụy Điển sản xuất trong các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.
Anadolu cũng nhắc lại việc Phần Lan phản đối Thổ Nhĩ Kỳ mở chiến dịch quân sự ở Syria để chống lại các tay súng người Kurd, cũng như quyết định không phê duyệt giấy phép xuất khẩu quốc phòng mới cho Thổ Nhĩ Kỳ năm 2019.
Ankara cho rằng việc Phần Lan, Thụy Điển liệt PPK vào danh sách khủng bố là chưa đủ và hai nước cần hành động nhiều hơn để trấn áp những người ủng hộ PKK đang sinh sống ở hai quốc gia Bắc Âu, trong đó có nhiều người Kurd tị nạn.
Thổ Nhĩ Kỳ còn cáo buộc Thụy Điển và Phần Lan đã từ chối dẫn độ 33 người bị nước này truy nã với cáo buộc có liên hệ với dân quân người Kurd hoặc từng tham gia âm mưu lật đổ Tổng thống Erdogan năm 2016.
"Phần Lan và Thụy Điển đang công khai ủng hộ và dính líu tới PKK lẫn YPG", Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 15/5 tuyên bố.
Bất đồng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd bắt nguồn từ những động lực cạnh tranh quyền lực từ lâu, tạo ra một mạng lưới lợi ích phức tạp trong khu vực. Giao tranh giữa PKK và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu từ 1984 và nước này đã mở nhiều chiến dịch quân sự trấn áp PKK ở miền bắc Iraq, vốn là nơi nhóm này dùng để chi viện cho lực lượng nổi dậy ở miền đông Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 18/4, Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch "Gọng kìm móng vuốt" tấn công vào nhóm PKK ở miền bắc Iraq. Ông Erdogan trước đó khẳng định nước này sẽ chiến đấu chống lực lượng PKK "cho đến khi chủ nghĩa khủng bố không còn là mối đe dọa với đất nước, khu vực và nhân loại".
Lệnh trừng phạt vũ khí
Ngoài những khúc mắc liên quan đến người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ còn muốn sử dụng vị thế của mình trong quá trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển để gây sức ép, buộc Mỹ và đồng minh dỡ bỏ lệnh trừng phạt vũ khí liên quan đến thương vụ mua tên lửa S-400.
Tháng 7/2019, Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình tiêm kích tàng hình F-35 như một biện pháp trừng phạt sau khi nước này đặt mua hai hệ thống tên lửa S-400 của Nga trị giá 2,5 tỷ USD vào tháng 12/2017.
Với "lá bài" NATO lần này, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng sẽ được quay lại với chương trình sản xuất tiêm kích F-35, cũng như mua thêm một lô tiêm kích F-16 mới và nâng cấp đội chiến đấu cơ hiện có.
Tại cuộc họp báo ở thủ đô Ankara ngày 16/5, Tổng thống Erdogan khẳng định nước này sẽ "không đồng ý" để những quốc gia từng trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ được kết nạp vào NATO. Thụy Điển đình chỉ mọi hoạt động xuất khẩu vũ khí tới Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 2019, sau khi nước này triển khai chiến dịch quân sự tại Syria.
Tiến sĩ Paul Levin, giám đốc Viện Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ (SUITS) thuộc Đại học Stockholm, Thụy Điển, cho rằng Thụy Điển và Phần Lan sẽ nỗ lực tiến hành các cuộc đàm phán nhằm tìm cách tháo gỡ vướng mắc với Thổ Nhĩ Kỳ.
Matthew Bryza, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định Thổ Nhĩ Kỳ không tìm mọi cách ngăn cản nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, mà chỉ đang tìm kiếm nhượng bộ từ hai nước này và các đồng minh phương Tây. Theo Bryza, Ankara coi đây là "cơ hội vàng" để các đồng minh chú ý tới những lo ngại của họ.
"Đánh giá thấp nỗi tức giận của lãnh đạo và người dân Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là động thái không khôn ngoan", Bryza nói. "Ankara hoàn toàn nhận thức được ý nghĩa chiến lược đối với NATO khi kết nạp hai nước Bắc Âu. Tôi nghĩ Thổ Nhĩ Kỳ rốt cuộc chỉ muốn tìm kiếm sự nhượng bộ mà các bên có thể chấp nhận được".
Đức Trung (Theo SCMP/Bloomberg/WP)